Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm 2019, ngân hàng Việt sẽ tập trung huy động vốn

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo đánh giá của Moody's, việc huy động vốn, chủ yếu từ các nhà đầu tư nước ngoài, sẽ là tâm điểm chú ý trong năm 2019.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's vừa ra báo cáo cập nhật về lợi nhuận và tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng Việt Nam.
 Ảnh minh họa.
Trong báo cáo này, hãng đánh giá hầu ngân hàng Việt sẽ thiếu vốn để đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của tiêu chuẩn Basel II, chuẩn bị có hiệu lực từ năm 2020. Việc huy động vốn, chủ yếu từ các nhà đầu tư nước ngoài, sẽ là tâm điểm chú ý trong năm 2019, bởi thị trường vốn Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn phát triển.
Theo đánh giá của Moody's, mặc dù sức khỏe tài chính đã được cải thiện, sự cạnh tranh gay gắt để thu hút các khoản đầu tư tư nhân sẽ khiến các ngân hàng khó khăn hơn trong việc tăng vốn năm 2019.
Đánh giá về khả năng sinh lời và tăng trưởng tín dụng, Moody's cho rằng các ngân hàng Việt Nam trong danh sách theo dõi đã có khả năng sinh lời cao hơn nhờ chênh lệch lãi suất và chi phí tín dụng thấp hơn.
Các ngân hàng mà Moody's theo dõi có tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản cao hơn trong hai năm gần đây, từ mức 0,9% năm 2017 lên 1,1% năm 2018. Thu nhập ròng của các nhà băng này tăng 35% lên 70.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 3 tỷ USD) năm 2018, mặc dù có sự điều chỉnh về tăng trưởng tín dụng.
Chuyên viên phân tích của Moody's cho rằng, năm 2019, các ngân hàng Việt Nam được xếp hạng sẽ tiếp tục cải thiện khả năng sinh lời nhờ chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động ngày càng lớn và chi phí tín dụng thấp hơn.
Trước đó trong báo cáo tháng 9/2018, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cũng đánh giá hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể phải đối mặt với mức thiếu hụt vốn trầm trọng, khoảng 20 tỷ USD (tương đương 9% GDP) để đáp ứng việc triển khai tiêu chuẩn Basel II, dự kiến sẽ áp dụng từ 1/1/2020.