Năm điểm nhấn của Sở GTVT Hà Nội trong năm 2023

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với sự chỉ đạo sát sao, đôn đốc quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP, Sở GTVT Hà Nội đã tạo nên 5 điểm nhấn nổi bật trong quản lý, điều hành lĩnh vực đầu tư hạ tầng, giao thông, vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) năm 2023.

Nhờ vậy, dù khó khăn, thách thức còn nhiều, nhưng giao thông Thủ đô đã có những chuyển biến rất rõ nét.

Rà soát quy hoạch, thúc đẩy đầu tư

Năm 2023 là một trong những năm có sự chuyển biến rõ nét nhất về mọi mặt trong lĩnh vực GTVT. Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Lê Trung Hiếu nhận định: “Mặc dù những tồn tại, bất cập của hệ thống giao thông Thủ đô vẫn chưa được giải quyết hết triệt để, nhưng sự đổi thay mạnh mẽ từ tư duy cho đến hành động của giai đoạn này đã đặt những viên gạch đầu tiên vô cùng quan trọng, xây dựng nền tảng cho sự phát triển toàn diện trong những năm tới”.

Nút giao Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh không còn cảnh ùn tắc. Ảnh: Phạm Công
Nút giao Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh không còn cảnh ùn tắc. Ảnh: Phạm Công

Thực vậy, năm 2023, Sở GTVT Hà Nội đã chủ động đề xuất với Thành ủy, HĐND, UBND TP cho phép thuê tư vấn độc lập, rà soát, đánh giá lại toàn bộ Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sở GTVT đã chủ trì, phối hợp với 8 tỉnh, 15 quận, huyện và các sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức nhiều hội nghị bàn về Quy hoạch GTVT Thủ đô. Quan trọng hơn là định hướng lại sự phát triển toàn diện, dài hạn của hệ thống hạ tầng GTVT của Vùng Thủ đô, với Hà Nội là hạt nhân trung tâm. Đây cũng là lần đầu tiên Hà Nội tham vấn ý kiến của các địa phương lân cận trong xây dựng, điều chỉnh Quy hoạch GTVT.

Việc rà soát, điều chỉnh lại Quy hoạch GTVT có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Bộ Chính trị, Chính phủ cũng như chính quyền TP đã vạch ra những định hướng phát triển mới cho Hà Nội, chuẩn bị điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Đây có thể coi là điểm nhấn đầu tiên nổi bật trong năm công tác 2023 của Sở GTVT Hà Nội.

Điểm nhấn thứ hai là vai trò nổi bật của Sở GTVT trong sự kiện giao thông lớn nhất của Hà Nội năm 2023 - quá trình chuẩn bị đầu tư và khởi công dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Với vai trò là cơ quan tham mưu cho TP, thẩm định các điều kiện của dự án, cũng như hoạch định sự phát triển song hành của hệ thống giao thông đô thị, Sở GTVT đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Không chỉ phối hợp tốt, nhịp nhàng với các đơn vị thực hiện dự án, Sở GTVT đã đề xuất với TP xác định và cắm mốc giới các tuyến đường đô thị song hành, kết nối với Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, góp phần xây dựng kịch bản giao thông cho Hà Nội khi dự án tuyến đường chiến lược này được khởi động. Quan trọng hơn nữa, việc xác định chỉ giới đường ngang kết nối Vành đai 4 ngay trong giai đoạn này sẽ giúp TP tránh phải giải phóng mặt bằng hai lần, giảm thiểu chi phí và rủi ro đối với dự án.

Vừa làm, vừa tính lâu dài

Bên cạnh đó, Sở GTVT Hà Nội đã thể hiện quyết tâm cải thiện ùn tắc giao thông, phát triển VTHKCC của Thủ đô bằng những hành động rất cụ thể.
Điểm nhấn thứ ba trong công tác điều hành, quản lý giao thông là Sở GTVT đã thành lập 4 Tổ công tác chuyên trách khảo sát, đánh giá và đưa ra các biện pháp điều chỉnh, tổ chức lại giao thông tại những vị trí có nguy cơ ùn tắc cao. Qua đó Sở đã tiếp nhận và xử lý 1.461 kiến nghị về bất cập trong tổ chức giao thông; điều chỉnh 35 nút giao, xử lý được 10 điểm “đen” UTGT. Một số vị trí sau khi tổ chức lại đã giảm hẳn UTGT như nút: Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh; Hoàng Minh Giám – Nguyễn Chánh - Trần Duy Hưng…

Đặc biệt vừa qua, Sở GTVT đã phối hợp với Công an TP Hà Nội, một số trường học, địa phương, bắt đầu thí điểm mô hình cổng trường học ATGT tại các quận: Hà Đông, Bắc Từ Liêm… Mô hình này đang rất được người dân kỳ vọng sớm nhân rộng trên địa bàn toàn TP.

Điểm nhấn thứ tư là việc điều chỉnh mạng lưới xe buýt, ứng dụng thẻ vé điện tử cho VTHKCC. Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông công cộng Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết, năm 2023, Sở GTVT đã điều chỉnh hợp lý hóa lộ trình, tần suất, thời gian biểu chạy xe đối với 78 tuyến buýt. Đó là một trong những động lực chính để kéo hành khách trở lại với VTHKCC. 9 tháng đầu năm 2023, sản lượng hành khách của toàn mạng lưới VTHKCC ước đạt 410,2 triệu lượt; trong đó buýt trợ giá ước đạt 349,7 triệu lượt, tăng 57,1% so với thực hiện cùng kỳ năm 2022.

Cuối cùng, điểm nhấn thứ năm là việc đưa xe đạp công cộng vào vận hành, phục vụ Nhân dân Thủ đô từ tháng 9/2023. Sau hơn 2 tháng đưa vào sử dụng, xe đạp công cộng đã có hơn 100.000 người đăng ký, với gần 135.000 chuyến đi, cho thấy sự ưa thích của người dân. Đặc biệt, xe đạp công cộng còn khẳng định được vai trò quan trọng trung chuyển người dân từ các khu đô thị đến với VTHKCC và kết nối giữa các phương thức VTHKCC như: tàu điện, xe buýt…

Mới đây, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục đề xuất với TP kế hoạch thí điểm hai tuyến đường dành riêng cho xe đạp công cộng. Đây sẽ là điều kiện rất thuận lợi để loại hình phương tiện giao thông xanh này dần thay thế xe cơ giới cá nhân.

Đông đảo người dân và các chuyên gia cho rằng, năm 2023 là năm ghi nhiều dấu ấn tích cực của Sở GTVT Hà Nội; vai trò của cơ quan này đã thể hiện rõ rệt, hiệu quả hơn. Bước sang năm 2024, Hà Nội kỳ vọng sẽ từng bước đẩy lui ùn tắc giao thông, phát triển giao thông thông minh, nâng cao năng lực VTHKCC. Đó là mục tiêu và cũng là thử thách, đòi hỏi Sở GTVT Hà Nội phải nỗ lực, hoạt động hiệu quả hơn nữa.

 

Ngày 28/11 vừa qua, hệ thống thẻ vé liên thông đa phương thức cho VTHKCC đã được đưa vào thí điểm trên 14 tuyến xe buýt. Việc sử dụng thẻ, vé liên thông sẽ hỗ trợ hành khách đi lại bằng xe buýt thuận tiện, nhanh chóng và an toàn hơn. Đây cũng là một trong những hạng mục quan trọng góp phần xây dựng hệ thống giao thông thông minh của Thủ đô. Cùng thời điểm chiến lược phát triển giao thông thông minh cũng đã được Sở GTVT trình lên Chính quyền TP xem xét với những định hướng rất rõ nét cho cả ngắn hạn lẫn dài hạn.