Năm Du lịch quốc gia 2016: Tránh đi vào... lối mòn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 16/11, Bộ VHTT&DL phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang họp báo công bố Năm Du lịch (DL) quốc gia 2016 Phú Quốc - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với chủ đề “Khám phá đất phương Nam”.

Du khách tham quan đảo Phú Quốc.
Du khách tham quan đảo Phú Quốc.
Đây là sự kiện có quy mô quốc gia và quốc tế lớn nhất trong năm của ngành DL. Tuy nhiên, sau 12 năm, hoạt động này dường như đang đi vào lối mòn khi công tác tổ chức không có nhiều đổi mới dẫn đến đầu tư lớn nhưng hiệu quả không như mong đợi.

Ăn xổi

Không thể phủ nhận, qua 12 năm tổ chức Năm DL quốc gia, các địa phương đăng cai sự kiện này đã có sự phát triển đột phá so với những năm trước đó. Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường đã qua, những người làm DL có không ít tiếc nuối vì cách thức tổ chức sự kiện vĩ mô này đã dần đi vào lối mòn. Như chia sẻ của Phó Giám đốc Công ty TransViet Nguyễn Tiến Đạt: “Tôi thấy Năm DL quốc gia chưa phát huy hiệu quả vì nó “đóng cửa”. Hầu hết Năm DL quốc gia tại các tỉnh, TP, nhiều buổi lễ, gala, giới thiệu sản phẩm DL, các dịch vụ ăn uống mới… nhưng lại vắng bóng các hãng lữ hành và du khách - đối tượng chính cần quảng bá”. Mặt khác, các hoạt động còn mang tính hình thức và chú trọng tính văn hóa, lễ hội hơn là làm kinh tế DL. Bởi đích đến của Năm DL quốc gia là phải giới thiệu, xây dựng được sản phẩm mới của DL địa phương để phục vụ khách quanh năm. Thế nhưng, các hoạt động liên kết với các công ty lữ hành để bán sản phẩm hầu như chỉ "sôi động" vào “buổi đầu”, sau đó chìm đi. Tình trạng khách quá tải vào mùa DL cao điểm, đìu hiu mùa thấp điểm xảy ra ở hầu hết các địa phương.

Mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Chánh Văn phòng Hiệp hội DL Hà Nội Vũ Chính Đông cho hay: “Đó là bởi sự chuẩn bị cho Năm DL quốc gia hơi vội vàng, nên làm gì cũng theo kiểu ăn xổi. Chẳng nói đâu xa, giữa tháng 11 mới tổ chức họp để quảng cáo, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông là quá muộn. Nên thậm chí ngay cả người dân địa phương đăng cai tổ chức sự kiện cũng không biết. Mặt khác, thời gian chuẩn bị của địa phương đăng cai chưa đến một năm là quá ít để vạch ra kế hoạch tổ chức các chương trình, rồi đầu tư nguồn lực…, đó là chưa kể phải xây dựng các sản phẩm mới phù hợp nhu cầu du khách”. Trong khi đó, hầu hết các DN DL chỉ biết thông tin về Năm DL quốc gia trước đó vài tháng gây ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút khách quốc tế. Bởi lẽ, các “thượng đế” nước ngoài thường đặt tour trước 6 tháng đến một năm. Và bất cập lớn hơn là các DN muốn kiến nghị, đề xuất thay đổi, xây dựng sản phẩm sao cho sát với nhu cầu của du khách cũng khó, khi mà “kịch bản” đã được Ban tổ chức “dựng” xong.

Xây dựng sản phẩm “trái vụ”

Để tăng hiệu quả của Năm DL quốc gia, ông Đông cho rằng: “Công tác chuẩn bị cần phải kỹ lưỡng hơn. Tỉnh đăng cai tổ chức sự kiện phải chuẩn bị ít nhất trước 2 năm, Việt Nam trước 5 năm. Trong thời gian này, công tác tuyên truyền quảng bá cũng không được lơi là”. Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Lưu Đức Kế đề xuất: “Nên tổ chức Năm DL quốc gia theo chu kỳ 2 năm một lần để công tác chuẩn bị tốt hơn và khách hàng cũng có thời gian lên kế hoạch DL”. Cũng theo ông Kế, mục đích tối thượng của Năm DL quốc gia là để kéo được dòng khách đến địa phương đăng cai vào những năm tiếp theo. Thế nên, phải làm sao để du khách, người dân và DN thấy được lợi ích của mình trong đó. Do vậy, nên chăng kinh phí tổ chức Năm DL quốc gia đừng chỉ làm phần lễ, hội, mà phải trích ra làm kinh doanh. Mặt khác, phải tăng cường liên kết giữa các DN, giữa DN với cơ quan quản lý Nhà nước để xây dựng được các sản phẩm DL “trái vụ” thì ngành DL mới hết cảnh "ăn xổi". Ví dụ, Thành Nhà Hồ khó thu hút khách nghỉ dưỡng nhưng hoàn toàn có thể tìm nguồn khách nghiên cứu để “lấp chỗ trống”. Mà vấn đề này thì DN là đơn vị rõ “địa chỉ” nhất. “Trong quá trình xây dựng sản phẩm, tour, tuyến DL nhất thiết phải có sự góp ý của các DN lữ hành trong nước và quốc tế” - ông Kế nhấn  mạnh.

Ngoài ra, đại diện nhiều DN DL cho rằng, khâu liên kết của ta còn yếu, thì năm nay phải tăng cường công tác này. Do đó, dịp này, cần có một cuộc ký kết giữa 13 tỉnh, TP khu vực ĐBSCL với Sở DL Hà Nội và Hiệp hội DL Hà Nội để đẩy mạnh việc trao đổi khách giữa 2 miền Nam - Bắc. Hơn thế, để kích cầu người dân miền Bắc đi DL ĐBSCL, việc liên kết với các đơn vị vận chuyển để giảm giá vé tàu, máy bay cũng rất quan trọng.

Đây là những đóng góp chân thành được đúc rút từ thực tiễn làm DL ở Việt Nam mà các cơ quan quản lý cần tham khảo để điều chỉnh cách tổ chức Năm DL quốc gia sao cho hiệu quả, thiết thực.
Khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch ĐBSCL
Tối 16/11, Tuần Văn hóa - Du lịch (DL) ĐBSCL tại Hà Nội 2015 - chương trình khởi động cho chuỗi các sự kiện của Năm DL quốc gia 2016 Phú Quốc - ĐBSCL đã khai mạc tại Trung tâm Triển lãm Vân Hồ (số 2 Hoa Lư). Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã tới dự và đánh trống khai hội. Sự kiện nhằm quảng bá, tôn vinh những giá trị di sản văn hóa, DL đặc sắc của 13 tỉnh, TP vùng ĐBSCL. Đồng thời, thúc đẩy tiềm năng DL, tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL. Điểm nhấn của chương trình là lễ khai mạc chủ đề “Âm sắc phương Nam”. Bên cạnh đó là các hoạt động: Triển lãm, biểu diễn nghệ thuật dân tộc, trình diễn trang phục, giới thiệu văn hóa ẩm thực, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm DL của ĐBSCL… Chương trình sẽ diễn ra đến hết ngày 19/11.