Bức xúc nạn bạo hành trẻ Mạng xã hội đang dậy sóng trước clip một cô giáo mầm non sai nhiều học sinh cùng lao vào đánh hội đồng một bé trai trong lớp. Video được đăng tải ngày 28/8, bởi một tài khoản facebook mang tên Lê Thắm. Bé trai bị đánh chính là con của chủ tài khoản, học tại một trường mầm non có học phí cao nhất tỉnh Ninh Bình. Chủ tài khoản Lê Thắm viết trên facebook thể hiện sự bức xúc: Cô giáo khi chuẩn bị đẩy con tôi vào thì các bạn đã đứng sẵn sàng như một thao tác được lập trình sẵn quen thuộc hàng ngày. Và, tôi không hiểu tại sao nhà trường có camera và phòng Ban giám hiệu lúc nào cũng theo dõi mà cứ để sự việc diễn ra hàng ngày như này... Tài khoản cũng cho biết, 2 tuần nay con chị gầy rộc và không chịu ăn. Nhưng khi phụ huynh đến lớp hỏi, cô giáo lại bảo cháu ăn ngoan. Trước đó, trên mạng xã hội cũng phát tán một clip được ghi từ camera giám sát của trường Mầm non Tư thục Trẻ Thơ (xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn) ghi lại cảnh bé trai 2,5 tuổi bị cô bảo mẫu nhồi nhét thức ăn và sau đó bị lôi ra ngoài đánh. Ngay sau đó, cô giáo này đã buộc bị thôi việc.
|
Hình ảnh trẻ bị bạo hành tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (Quận 12, TP Hồ Chí Minh). |
Đề cập đến vấn đề này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội TS Khuất Thu Hồng cho rằng, hiện nhu cầu gửi con vào trường mầm non của người dân rất lớn trong khi các trường công lập chưa đáp ứng đủ chỗ học. Giáo viên mầm non được đào tạo bài bản chưa đầy đủ, nơi thừa nơi thiếu. Vẫn còn tình trạng lơ là trong quản lý, dẫn đến các cơ sở tư nhân tự mở lớp mầm non khá nhiều trong khi không có sự thanh, kiểm tra thường xuyên. Việc đào tạo tại chỗ cho giáo viên mầm non cũng không được thực hiện. Bên cạnh đó, việc xử lý người có hành vi bạo hành trẻ em rất cảm tính. Khi một sự việc được đưa lên mạng, dư luận biết và bức xúc thì xử lý rất nhanh và nghiêm túc. Nhưng có những vụ không được nhiều người biết thì bỏ qua hoặc xuê xoa với nhau.
Giáo viên mầm non phải được đào tạo bài bản Để ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ, PGS.TS Lê Kim Long – nguyên Hiệu trưởng Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, những trường hợp vi phạm đều phải xử lý mạnh tay, có sức răn đe để cho người khác sợ. Biện pháp trước mắt, làm sao để những người làm công việc chăm sóc trẻ phải kiểm soát được bản thân mới là điều quan trọng nhất. Về lâu dài, giáo viên mầm non phải được đào tạo ở trình độ cao đẳng, đại học, thay vì trung cấp. TS Hồng đồng tình với quan điểm giáo viên mầm non phải được đào tạo cao hơn, nhưng trước mắt, các cơ sở trông giữ trẻ mầm non cần phải tuân thủ mọi qui định hiện hành.
Về việc xử lý những người vi phạm, theo TS Hồng, hiện nay có nhiều luật liên quan như Luật Hình sự, Luật Trẻ em, Luật Giáo dục đều đưa ra những quy định. Điều quan trọng nhất là xét xử đúng mức, nghiêm minh mới đảm bảo mang tính giáo dục, ngăn ngừa tình trạng bạo hành. “Bây giờ phải thực hiện thanh tra, kiểm tra tất cả các cơ sở giáo dục mầm non đang hoạt động để xem chất lượng giáo dục thế nào. Đồng thời, yêu cầu người dân địa phương cùng theo dõi giáo sát sao, thông tin kịp thời khi có nghi ngờ xảy bạo hành trẻ em” – bà Hồng đề nghị.
Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ LĐTB&XH Đặng Hoa Nam cũng cho biết, hiện nay, hành lang pháp lý cơ bản đã có nhưng thực tế cần sự vào cuộc quyết liệt của địa phương. Theo ông Nam, ngay sau khi Luật Trẻ em có hiệu lực, Cục Trẻ em đã phổ biến các nội dung của luật này và Nghị định 56/2017/NĐ-CP cho 63 tỉnh thành. Hiện Cục đã hoàn thành bộ tài liệu tập huấn các nội dung liên quan đến trẻ em. Bên cạnh đó, hiện nay đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em đã được nâng cấp thành Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 (miễn phí cuộc gọi), nên khi có thông tin về bạo hành trẻ em, mọi người hãy gọi đến để được tư vấn, hỗ trợ và xử lý kịp thời.