Nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri: Bắt đầu từ trách nhiệm của người đại biểu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tiếp xúc cử tri (TXCT) của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thời gian qua đã đem lại những ấn tượng mới mẻ và hiệu quả. Tuy nhiên, không ít hạn chế mang tính cố hữu vẫn tồn tại.

Để khắc phục, mới đây, Đoàn ĐBQH Hà Nội đã tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề "Nâng cao chất lượng hoạt động TXCT của ĐBQH".

Đổi mới chưa thấu đáo

Theo nhận định của chính các cử tri, việc TXCT của ĐBQH trong thời gian qua đã khắc phục dần tính hình thức, hướng đến gần dân, sát cơ sở, tính dân chủ cao hơn.  Đổi mới đáng nói nhất là tất cả cử tri được tham gia tiếp xúc, qua đó khắc phục tình trạng "cử tri chuyên trách, đại biểu kiêm nhiệm". Tuy nhiên, một hạn chế vẫn tồn tại là thời lượng và cách thức báo cáo của ĐB vẫn dài dòng, chiếm đến phần lớn thời gian. Trong khi đó, vấn đề người dân quan tâm chính là việc trả lời các kiến nghị của cơ quan chức năng lại thường chậm hoặc chung chung, cá biệt có vấn đề không được trả lời, khiến cử tri phải kiến nghị nhiều lần, nhưng việc giải quyết vẫn chưa thấu đáo. Trong khi đó, chính các ĐB cũng chưa làm tốt việc đôn đốc, giám sát thực hiện lời hứa trong trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Đại diện các quận, huyện, đơn vị tổ chức cuộc TXCT cũng chỉ ra rằng, không phải lúc nào, cuộc tiếp xúc nào, địa phương nào cũng cùng Đoàn ĐBQH thực hiện đúng và đủ những mục tiêu đổi mới. Nhiều cử tri mong muốn được phát biểu, tham gia ý kiến tại các cuộc tiếp xúc vẫn phải đứng ngoài cuộc hoặc phải gặp riêng những chuyên viên hay cán bộ địa phương thay vì trao đổi trực tiếp với các ĐBQH. Ông Dương Văn Lâm, Thường trực HĐND huyện Hoài Đức nhận định: Trong không ít cuộc TXCT, các ĐB còn thiếu tự tin trong việc trả lời trực tiếp vấn đề cử tri quan tâm, nặng về tiếp thu ghi nhận. Đây là điều cần khắc phục ngay, tránh cho cuộc tiếp xúc nhàm chán.

Đại biểu phải chủ động đến với cử tri

Tại cuộc toạ đàm, nhiều ý kiến cho rằng, các ĐB nên chủ động đi cơ sở tại nơi ứng cử để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Như ông Bùi Nguyên Súy, Phó ban Dân nguyện của QH nhận định, TXCT là vấn đề quan trọng, muốn nâng cao chất lượng không thể bỏ qua vai trò và trách nhiệm của ĐB. Cùng với đó, công tác tổ chức cũng cần chú ý cả những vấn đề nhỏ để thể hiện sự tôn trọng cử tri, tránh sự phân biệt giữa cử tri và ĐB. Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội Phạm Quang Nghị đặt câu hỏi: Trong các cuộc TXCT, những hàng ghế đầu thường dành cho lãnh đạo của T.Ư và địa phương, cử tri thường ngồi từ hàng ghế thứ 3 trở đi, phải chăng ngay từ các cuộc tiếp xúc cử tri chúng ta đã không gần dân?.

Bà Nguyễn Phương Lan, Ủy viên Thường trực HĐND quận Hà Đông cho rằng: Các đơn vị tổ chức phải nhận thức đúng trách nhiệm của mình trong quá trình phối hợp và chỉ đạo hoạt động TXCT. Đặc biệt trong tiếp thu, chuyển tải ý kiến cử tri tới các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm giải quyết và kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc giải quyết để báo cáo kết quả với cử tri… Cùng với đó, việc TXCT nên trực tiếp về các xã, phường, khối cơ quan, ngành, từng quận, huyện. Có như vậy, cử tri mới có thời gian, điều kiện nói hết tâm tư, nguyện vọng của mình.

"Những vấn đề cử tri của địa bàn nêu tại kỳ tiếp xúc trước, nếu chưa được giải quyết, ĐB nên có văn bản hoặc trực tiếp báo cáo với cử tri về nguyên nhân tồn tại", bà Nguyễn Thanh Hà, Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Đông Anh kiến nghị. Theo bà Hà, hiện ĐBQH vẫn chưa có kế hoạch mở rộng và quan tâm đến cử tri là công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, sinh viên các trường quanh vấn đề việc làm, đời sống.

Hiện nay, một số ĐBQH đã và đang thực hiện việc TXCT tại nhà riêng, qua điện thoại, qua thư, việc bổ sung hình thức tiếp xúc qua email là cần thiết. Hơn thế nữa, trách nhiệm của người ĐB còn thể hiện ở sự sát sao với việc giải quyết triệt để, đúng bản chất vấn đề cử tri nêu ra. Chỉ khi ấy, các cuộc TXCT mới thực sự hiệu quả.