Nâng cao hiệu quả kinh tế làng nghề

Bình Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát huy lợi thế của địa phương có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng, huyện Thanh Oai đã và đang thực hiện các giải pháp nhằm tăng chất lượng, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại cho sản phẩm làng nghề. Từ đó, giúp người dân nâng cao thu nhập, tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

 Du khách chọn mua sản phẩm nón lá làng Chuông tại Hội chợ Du lịch làng nghề truyền thống huyện Thanh Oai năm 2020.
Hộ ông Vũ Văn Hùng, ở thôn Cự Đà, xã Cự Khê là một trong những hộ làm miến lâu đời chia sẻ, nghề làm miến mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều người dân trong thôn. Nhờ đưa máy móc vào các khâu sơ chế, đóng gói, hiện, mỗi ngày, gia đình ông cung cấp cho thị trường 3 - 5 tạ miến. Riêng tháng giáp Tết Nguyên đán, gia đình phải thuê 7 - 8 công nhân nhằm bảo đảm cung ứng cho thị trường 1 tấn miến/ngày. Từ nghề truyền thống này, mỗi năm, gia đình ông Hùng thu về hơn 400 triệu đồng.
Theo Chủ tịch UBND xã Cự Khê Đặng Anh Phương, nghề làm miến tập trung tại thôn Cự Khê với khoảng 400 hộ làm nghề. Hiện, các hộ đều sử dụng công nghệ phơi, sấy hiện đại nên năng suất, chất lượng đạt rất cao và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm miến Cự Đà không chỉ tiêu thụ mạnh tại thị trường Hà Nội mà còn bán ở nhiều địa phương trong cả nước, tạo giá trị kinh tế khá. Đặc biệt, miến Cự Đà đã được huyện Thanh Oai chọn tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đây sẽ là cơ hội để nghề làm miến phát triển hơn nữa.
Tương tự, làng nghề kim khí, điêu khắc tại xã Thanh Thùy cũng nổi tiếng và phát triển không kém. Chủ tịch UBND xã Thanh Thùy Nguyễn Đức Tuế cho biết, 6/6 thôn của xã đều có nghề, trong đó, 5/6 thôn làm nghề kim khí; riêng thôn Dư Dụ phát triển nghề mộc, điêu khắc gỗ. Năm 2019, nhóm ngành tiểu thủ công nghiệp của xã đạt hơn 230 tỷ đồng. Đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, việc sản xuất, kinh doanh nghề kim khí và nghề mộc của xã bị ảnh hưởng, song đến thời điểm này, các hộ đang nỗ lực khắc phục, hoạt động trở lại, phấn đấu giá trị sản xuất từ làng nghề đạt và vượt so với năm 2019.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển, toàn huyện hiện có 51 làng nghề truyền thống, tiêu biểu như: Làm nón làng Chuông (xã Phương Trung); lồng chim Canh Hoạch (xã Dân Hòa); giò chả Ước Lễ (xã Tân Ước); tương, miến Cự Đà (xã Cự Khê)... Nhằm phát huy nguồn lực kinh tế từ các làng nghề, Thanh Oai đã và đang tập trung xây dựng, quy hoạch các điểm/khu công nghiệp làng nghề, xây dựng thương hiệu, lựa chọn sản phẩm làng nghề để xếp hạng sao trong Chương trình OCOP. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, hỗ trợ vốn cho các hộ làm nghề phát triển sản xuất, đầu tư máy móc, công nghệ.