Nâng cao hiệu quả từ văn bản, thủ tục

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh mà sự khó khăn hiện diện trên tất cả các ngành kinh tế, các lĩnh vực, thì công tác quản lý đô thị và phát triển nhà ở trên địa bàn Hà Nội không nằm ngoài "vòng xoáy" đó.

Tuy nhiên, với những nỗ lực, năm 2013, ngành xây dựng Hà Nội đã triển khai thành công nhiều nhiệm vụ, đặc biệt là công tác hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) về xây dựng, quản lý nhà ở, công sở, hạ tầng đô thị. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng là một trong những địa phương triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường bất động sản.

Hoàn thiện hệ thống văn bản, đưa các quy định vào cuộc sống

Khi nhắc đến văn bản QPPL nhiều người nghĩ ngay đến sự khó hiểu, phiền hà. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xây dựng hệ thống văn bản QPPL đầy đủ, chất lượng là mấu chốt của việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý, rút ngắn các thủ tục hành chính.

 
Nhà đầu tư cần có đầy đủ cơ sở để giải quyết các vấn đề liên quan đến sử dụng, quản lý, vận hành  nhà chung cư. Ảnh: Quỳnh Anh
Nhà đầu tư cần có đầy đủ cơ sở để giải quyết các vấn đề liên quan đến sử dụng, quản lý, vận hành nhà chung cư. Ảnh: Quỳnh Anh
2013 là năm có nhiều văn bản QPPL được ban hành và có hiệu lực thi hành như: Nghị định về quản lý phát triển đô thị, quản lý chất lượng công trình xây dựng, cấp phép xây dựng công trình, quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, phát triển và quản lý nhà ở tái định cư, quy định xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng và kinh doanh bất động sản, phát triển và quản lý sử dụng NƠXH... Để có thể hoàn thiện hệ thống văn bản và triển khai, đưa các quy định vào cuộc sống, Sở Xây dựng Hà Nội đã khẩn trương dự thảo 21 văn bản QPPL, trình UBND TP 17 văn bản và đã được ban hành 14 văn bản. Đặc biệt, liên quan đến lĩnh vực nhà ở, Sở đã trình và UBND TP đã ban hành các văn bản quan trọng liên quan đến công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư; công bố khung giá dịch vụ nhà chung cư; quy chế quản lý, sử dụng nhà ở sinh viên, nhà biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1954... Đến thời điểm này, có thể nói những mâu thuẫn, phức tạp tại các chung cư chủ yếu thuộc các chung cư được xây dựng khi chưa có đầy đủ các quy định về quản lý, đầu tư, chưa phân định sở hữu chung - riêng. Với nền tảng là các quy định hiện hành, cơ quan quản lý cũng như chính quyền địa phương, chủ đầu tư và người dân đã có trong tay khá đầy đủ cơ sở để giải quyết các vấn đề liên quan đến sử dụng, quản lý, vận hành nhà chung cư.

Rút ngắn thời gian không đồng nghĩa với việc “dễ dãi”

Cùng với việc hoàn thiện hệ thống các QPPL, công tác cải cách hành chính được Sở Xây dựng đặc biệt quan tâm. Việc giảm bớt các thủ tục hành chính là hành động cụ thể của cơ quan quản lý trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, cùng chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Đến thời điểm này, Hà Nội là địa phương đứng đầu về số lượng dự án chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang NƠXH. Dự án xây dựng NƠXH tại Khu đô thị Đặng Xá được xếp "kỷ lục" về thời gian thực hiện (có chủ trương thực hiện vào tháng 9/2013, hoàn thành việc xây dựng vào tháng 1/2014) có công không nhỏ của việc cải cách thủ tục hành chính.

Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Hùng cho biết, các đơn vị chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang NƠXH và điều chỉnh diện tích, cơ cấu căn hộ đã bán hàng rất tốt. Điển hình, dự án KĐT Đặng Xá (đã bán hết 1.000 căn hộ của giai đoạn 2) hay các dự án dọc đường Phạm Văn Đồng cũng vậy. Có thể nói, Sở Xây dựng cùng các ngành của TP đã phối hợp giải quyết thủ tục để doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần, không phải đến từng sở, ngành để xin ý kiến. Tuy nhiên, việc rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính không đồng nghĩa với việc "dễ dãi" trong phê duyệt các dự án chuyển đổi, chia tách căn hộ. Ông Nguyễn Thế Hùng cho biết thêm, Sở Xây dựng cùng các ngành rà soát rất kỹ từng dự án, đặc biệt về việc gia tăng dân số và khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng.

Bước sang năm 2014, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Sở Xây dựng là hoàn thành chương trình xây dựng văn bản QPPL. Đặc biệt là phối hợp với các sở, ngành để nghiên cứu, trình UBND TP ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của HĐND TP thực hiện Luật Thủ đô. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư theo hướng xã hội hóa, quản lý, khai thác hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công cộng có hiệu quả. Sở Xây dựng cũng đặt ra mục tiêu hoàn thành việc xây dựng các quy định về quản lý phát triển đô thị, quản lý phát triển nhà, biệt thự, công sở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Cùng với đó, mục tiêu của Sở trong năm nay là phấn đấu 100% hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận và giải quyết đúng hẹn.