Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng cao năng lực SPS cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cập nhật và hướng dẫn các quy định của thị trường để nâng cao chất lượng hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam, đảm bảo an toàn khi xuất khẩu là vấn đề được Bộ NN&PTNT đặc biệt quan tâm.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, sáng 2/8, Văn phòng SPS Việt Nam phối hợp cùng báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội nghị “Tăng cường thực thi các quy định và cam kết về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) trong Hiệp định EVFTA, Hiệp định RCEP và các giải pháp thực hiện”.

TS Lê Thanh Hoà - Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam phát biểu tại hội nghị.
TS Lê Thanh Hoà - Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Thông tin tại hội nghị, TS Lê Thanh Hoà - Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) cho biết, tại phiên họp lần thứ tư Ủy ban SPS giữa Việt Nam và EU thực thi hiệp định EVFTA ngày 8/5/2024, hai bên đã trao đổi nhiều nội dung liên quan đến an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật.

Cụ thể, phía EU đề nghị Việt Nam cần thực hiện những biện pháp kiểm tra an toàn thực phẩm và tăng cường quản lý các vấn đề liên quan đến sử dụng thuốc kháng sinh trong nuôi tôm, dư lượng thuốc trừ sâu trong thực vật và sản phẩm thực vật, sử dụng chất phụ gia trong sản phẩm thủy sản…

Hiệp định RCEP cũng là một trong những FTA lớn và quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam. Trong đó, thị trường Trung Quốc là một trong những thị trường trọng điểm về xuất khẩu nông sản của Việt Nam với nhiều quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật. Nếu vi phạm các quy định này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả ngành hàng và thương hiệu nông sản của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tại hội nghị, TS Đào Văn Cường - Chuyên viên Văn phòng SPS Việt Nam đã cập nhật thông tin về các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật của EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia - New Zealand.

Đảm bảo an toàn nông sản, thực phẩm góp phần thúc đẩy xuất khẩu.
Đảm bảo an toàn nông sản, thực phẩm góp phần thúc đẩy xuất khẩu.

Theo TS Đào Văn Cường, từ đầu năm 2024 đến nay, EU là thị trường có nhiều thông báo, dự thảo các biện pháp SPS nhất gửi đến Văn phòng SPS Việt Nam; tiếp đến là các thị trường Brazil, Hoa Kỳ, Canada, Anh… Phân theo lĩnh vực thì các thông báo tập trung nhiều nhất vào các cảnh báo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kế đến là sức khoẻ động vật, sức khoẻ thực vật…

ThS Lương Ngọc Quang - đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã thông tin về các quy định của thị trường EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia - New Zealand đối với sản phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu từ Việt Nam. Những vấn đề cần lưu ý khi xuất khẩu nông sản sang các thị trường EU, RCEP cũng được bà Phạm Thị Lâm Phương, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ tại hội nghị.

Cũng tại hội nghị, TS Lê Hà Hải - Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT) đã giới thiệu công nghệ sơ chế, bảo quản một số sản phẩm nông sản đáp ứng yêu cầu thị trường. Một số giải pháp cũng đã được TS Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam chia sẻ, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đáp ứng quy định an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật khi xuất khẩu nông sản thực phẩm.

Hội nghị đã cung cấp thông tin kịp thời tới các cơ quan quản lý và doanh nghiệp Việt Nam về những điểm mới liên quan đến các quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường các nước thành viên trong Hiệp định EVFTA, Hiệp định RCEP. Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao chất lượng hàng nông sản thực phẩm của Việt Nam, đảm bảo an toàn khi xuất khẩu. 

 

Hội nghị trực tuyến “Tăng cường thực thi các quy định và cam kết về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) trong Hiệp định EVFTA, Hiệp định RCEP và các giải pháp thực hiện” diễn ra sáng 2/8 tại TP Hồ Chí Minh là hội nghị lần thứ tư trong năm 2024 mà Văn phòng SPS Việt Nam tổ chức tại các địa phương, sau 3 chương trình đã thực hiện tại các tỉnh: Lạng Sơn, Phú Yên và Thái Bình.