Tham dự tọa đàm có Quyền Vụ trưởng Vụ thông tin Văn hóa - Ủy ban Nhà nước về NVNONN Lê Thị Thu Hằng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Trần Đức Mậu; PGS.TS Nguyễn Thiện Nam, Chủ nhiệm Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, trường ĐH KHXHNV cùng 12 đoàn giáo viên dạy tiếng Việt cho NVNONN tại các nước, vùng lãnh thổ như: Campuchia, Lào, Thái Lan, Đài Loan, Thụy Sĩ, Séc, Đức…
12 đoàn giáo viên dạy tiếng Việt tại nước, vùng lãnh thổ trên thế giới. |
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận về tình hình dạy - học tiếng Việt ở một số quốc gia; vấn đề tài liệu dạy - học của NVNONN, phương thức dạy - học. Đồng thời, những chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác đối với NVNONN cùng một số kết quả hỗ trợ dạy tiếng Việt thực hiện theo Nghị quyết 36/NQ-TW… Chia sẻ cùng các đại biểu tại buổi tọa đàm, ông Trần Đức Mậu - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN khẳng định: Tiếng Việt rất quan trọng đối với cộng đồng NVNONN. Việc duy trì tốt tiếng Việt giúp củng cố tình cảm, gắn bó của NVNONN đối với văn hóa dân tộc Việt Nam. Duy trì, giữ gìn và phát huy tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN là một trong những công tác hàng đầu của Ủy ban Nhà nước về NVNONN, đồng thời là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Theo đó, trong những năm qua, đối với các chương trình tập huấn của Ủy ban Nhà nước về NVNONN luôn tập trung vào 2 mảng. Đầu tiên là thúc đẩy giảng dạy tiếng Việt. Thứ 2 là tạo không gian giảng dạy cũng như môi trường để NVNONN có thể phát huy tiếng Việt. Ngoài ra, theo PGS.TS Nguyễn Thiện Nam, Chủ nhiệm Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, trường ĐH KHXHNV: Các giáo viên dạy tiếng Việt cho NVNONN phải có kiến thức tốt về tiếng Việt. Thứ 2 có phương pháp truyền thụ tốt. Thứ 3 hiểu được văn hóa của Việt Nam, đồng thời hiểu được văn hóa của nước sở tại để có sự so sánh, truyền giảng một cách thuyết phục. Bởi, việc học tiếng Việt ở nước ngoài sẽ khó khăn hơn học tại Việt Nam rất nhiều. Trong những năm qua, chính phủ Việt Nam cũng cho sản xuất bộ sách tiếng Việt vui và Quê Việt khá tốt. Tuy nhiên, theo thời gian nhiều thông tin cần phải được bổ sung, cập nhật đổi mới về mặt phương pháp và nội dung. Thời gian tới, chính phủ Việt Nam chuẩn bị có kế hoạch tổ chức biên soạn tài liệu tiếng Việt trực tuyến cho NVNONN.
Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Nam, một trong những khó khăn lớn nhất trong việc dạy tiếng Việt cho NVNONN là vấn đề chuyên môn, sự hiểu biết tiếng Việt của giáo viên giảng dạy. Hầu như không phải các giáo viên dạy tiếng Việt cho NVNONN không được đào tạo chuyên về ngành tiếng Việt, hầu hết chỉ biết tiếng Việt. Do vậy, thông qua các khóa tập huấn mỗi người giáo viên có thể được bổ sung kiến thức cũng như tự đào tạo. Ở vai trò người trực tiếp giảng dạy, chị Nguyễn Thị Ngọc Mai - giáo viên dạy tiếng Việt tại Đài Loan cho biết, thế hệ thứ 2 - 3 người Việt Nam ở Đài Loan rất mong muốn được tìm hiểu tiếng mẹ đẻ thông qua việc kết hợp giao lưu ngôn ngữ và văn hóa, qua đó, duy trì được bản sắc dân tộc Việt Nam. Thông qua lớp tập huấn các giáo viên dạy tiếng Việt tại các nước ngoài mong muốn, chính phủ Việt Nam có thể đưa ra những phương pháp, giáo trình, giáo án phù hợp phục vụ công tác giảng dạy hiệu quả hơn. Đồng thời tiếp thu trực tiếp về cách thức giảng dạy tiếng Việt một cách chuyên nghiệp, nâng cao kinh nghiệp, có thể đem kiến thức học được về các nước sở tại để phổ biến cũng như có sự nghiên cứu phù hợp hơn đối với riêng môi trường từng nước.