Điều đó cho thấy trong thời gian tới ngành công thương Hà Nội phải rà soát lại các tiêu chí của SPCNCL để lựa chọn các sản phẩm mới, phù hợp xu thế phát triển, đủ sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Chủ lực, nhưng mờ nhạt
Chương trình phát triển SPCNCL được TP Hà Nội thực hiện từ năm 2006. Đến nay, sau 10 năm triển khai, Hà Nội đã công nhận 59 sản phẩm của 46 DN là SPCNCL phục vụ thị trường trong nước thay thế hàng nhập khẩu, một số sản phẩm xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản… Mặc dù SPCNCL của Hà Nội đã có sự tiến bộ nhất định song thực tế cho thấy những sản phẩm này vẫn ở dạng gia công, phụ thuộc vào nguyên, phụ liệu nhập khẩu. Năng suất lao động thấp, trình độ nhân lực cũng như năng lực quản lý của DN chưa cao, dẫn tới tình trạng sản phẩm nội không đủ sức cạnh tranh ở những gói thầu, dự án có yêu cầu kỹ thuật cao. Đây là một trong những nguyên nhân khiến SPCNCL của Hà Nội chưa thể tham gia vào chuỗi sản xuất của những thương hiệu, tập đoàn lớn của nước ngoài. Ông Đàm Tiến Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thừa nhận, trong 10 qua việc xét chọn sản phẩm được công nhận là SPCNCL chủ yếu dựa vào doanh thu, sản lượng... nên đến nay vẫn chưa thấy được SPCNCL của kinh tế tri thức. Đồng thời DN chưa tận dụng tốt cơ hội trong hội nhập, thu hút chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao. Ngay bản thân các DN có SPCNCL chưa liên kết được với nhau thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ để đạt hiệu quả cao.
Trước đó, trong những năm đầu triển khai chương trình này, ngành công thương Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2015, tổng doanh thu của SPCNCL chiếm 30 - 35% giá trị sản phẩm công nghiệp, chiếm 10 - 15% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Thủ đô. Song tổng doanh thu SPCNCL hiện chỉ chiếm khoảng 6% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và chiếm khoảng 4,5% kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội. Trong khi tại nhiều nước trên thế giới, doanh thu từ các SPCNCL thường chiếm hơn 50% giá trị doanh thu sản xuất công nghiệp.
Có hướng đi phù hợp sẽ bứt phá
Trong giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu của Hà Nội là trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao của cả nước thông qua việc chọn lọc SPCNCL từ một số ngành công nghiệp có giá trị gia tăng lớn, sử dụng công nghệ, hàm lượng chất xám cao; phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 150 SPCNCL. Để đạt những mục tiêu đó, một trong những giải pháp quan trọng là tiếp tục thực hiện Chương trình phát triển SPCNCL với những đổi mới, phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng. Việc xét chọn mở rộng hơn, ưu tiên lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, chế biến nông sản, thực phẩm ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng vật liệu mới...
Phó Cục trưởng Công nghiệp Địa phương (Bộ Công Thương) Hoàng Chính Nghĩa chia sẻ, để có thể xây dựng được SPCNCL cần có sự hỗ trợ hiệu quả của Nhà nước trong việc giúp DN đổi mới công nghệ, tăng hàm lượng chất xám. Nếu có những điều chỉnh phù hợp, phát triển nhanh các ngành, sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường mới có thể tận dụng những cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do FTA mang lại.
Đồng tình với ý kiến này, hầu hết các DN đều có chung ý kiến, ngoài khoản vốn hay lãi suất ưu đãi, DN rất cần cơ quan quản lý Nhà nước kết nối thị trường, xúc tiến mở rộng đối tác, nghiên cứu khoa học - công nghệ... Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú cho rằng, chương trình cần lựa chọn một cách có chọn lọc và có những chiến lược cụ thể, phối hợp hiệu quả với DN có sản phẩm chủ lực. Đồng thời, thật sự trở thành đầu mối trung gian kết nối các DN với nhau và kết nối DN với các viện nghiên cứu để đưa ra thị trường những sản phẩm mới, chất lượng tốt và sức cạnh tranh cao hơn.
Theo ông Đàm Tiến Thắng: Nhằm cải cách, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, qua đó thúc đẩy chương trình phát triển SPCNCL, trong thời gian tới Hà Nội sẽ quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ phấn đấu đưa Thủ đô trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, hiện đại của cả nước. Theo đó, Hà Nội sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo hướng ngày càng minh bạch, thuận tiện cho DN; Đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư, trong đó chú trọng đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp có giá trị gia tăng cao, công nghiệp công nghệ cao, tạo sức lan tỏa lớn. Cùng với đó, TP sẽ tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ DN trong việc nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đa dạng hóa hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ. Tăng các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm, đẩy mạnh việc tìm kiếm, khai thác các thị trường mới nổi… “ Hà Nội sẽ đưa ra những giải pháp hỗ trợ DN một cách thiết thực như: Hỗ trợ tiếp cận đất đai, miễn giảm tiền thuê đất, thuế, vốn vay ngân hàng, công nghệ, xúc tiến thương mại... Đây sẽ là những biện pháp quan trọng để hỗ trợ các DN sản xuất SPCNCL phát triển bền vững” - ông Đàm Tiến Thắng khẳng định.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại - Bộ Công Thương Nguyễn Văn Nam: Hướng tới sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao Hiện TP Hà Nội chưa xác định SPCNCL, trong khi chương trình đặt mục tiêu tới năm 2020 sẽ tạo ra 40% doanh thu sản xuất công nghiệp và 50% tổng kim ngạch xuất khẩu là quá cao cần tính toán lại. Với định hướng phát triển của Thủ đô và thế giới hiện nay, hầu như không mấy DN tập trung sản xuất công nghiệp nặng, mà hướng tới công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, ít phát thải. Do đó, chúng ta phải hướng tới các DN tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ sạch. Nên chăng, chúng ta hướng tới các DN mới, DN theo xu thế phát triển hiện đại, không chỉ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mà có thể lập các quỹ đầu tư mạo hiểm. Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Thăng: Xác định rõ sản phẩm thế mạnh Nếu chúng ta không xác định trọng tâm, trọng điểm mà hỗ trợ dàn trải, trong khi nguồn lực có hạn thì không thể hiệu quả được. Vì vậy trong thời gian tới, TP Hà Nội phải xác định rõ sản phẩm nào, thế mạnh nào nên ưu tiên tập trung, dần dần lựa chọn thêm các sản phẩm mới có đà phát triển lâu dài, không nên lựa chọn các sản phẩm cũ, dù chiếm tỷ trọng cao nhưng không phù hợp xu thế phát triển. Cộng đồng DN đều hy vọng và mong mỏi, những thay đổi trong chương trình nói riêng và cơ chế chính sách hỗ trợ của TP, Nhà nước nói chung sẽ tạo hiệu quả, thúc đẩy DN phát triển trong thời gian tới. Trong số 59 sản phẩm được TP công nhận là SPCNCL có: Ngành cơ khí 21 sản phẩm, ngành điện - điện tử: 19 sản phẩm, ngành dệt may - da giầy: 5 sản phẩm, ngành hóa - nhựa: 9 sản phẩm, ngành chế biến lương thực thực phẩm: 5 sản phẩm. Điển hình, sản phẩm Hệ thống dây chuyền đồng bộ sản xuất rượu, bia, nước giải khát của Công ty TNHH Cơ nhiệt điện lạnh Bách Khoa - Polyco (sản phẩm đứng hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo, lắp đặt các thiết bị nhiệt, lạnh, các thiết bị thực phẩm trong các nhà máy bia, nhà máy sữa, rượu, cồn); Sản phẩm máy biến áp 500 kV của Công ty CP Chế tạo thiết bị điện Đông Anh (EEMC) đưa Việt Nam trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên chế tạo được máy biến áp loại này. Một số SPCNCL có mức cạnh tranh cao trong khu vực: Sản phẩm quạt điện của Điện cơ Thống Nhất, Công ty Quang điện - Điện tử: Sản phẩm dệt kim công nghệ nano của Công ty Dệt kim Đông Xuân; Các loại cửa nhôm, cửa nhựa của Công ty Eurowindow; Đèn huỳnh quang, compact, LED của Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông; Sản phẩm khóa của Công ty CP Khóa Việt Tiệp; Xe đạp và bàn ghế xuất khẩu của Công ty Thống Nhất, đồ gia dụng Công ty CP Goldsun; ống thép inox, bồn nước inox của Công ty CP Sơn Hà, các sản phẩm vật liệu điện, dây cáp điện của Công ty CP Dây cáp điện Thượng Đình (Cadisun)… SPCNCL tham gia vào ngành công nghiệp hỗ trợ cho các DN Nhật Bản của: Công ty CP Nhựa Hà Nội, Kim khí Thăng Long, Xích líp Đông Anh… |