Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nắng nóng chấm dứt ở miền Bắc, nguy cơ xuất hiện bão trên Biển Đông

Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo dự báo, từ ngày 2 - 4/7, ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có khả năng mưa to đến rất to và rải rác có dông. Đây là tín hiệu đáng mừng trong hoàn cảnh liên tiếp xảy ra 15 vụ cháy rừng trong khu vực do nắng nóng kéo dài.

Đường đi của vùng áp thấp trên Biển Đông
Nắng nóng diện rộng chấm dứt
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia thông tin, ngày hôm qua (30/6), ở các tỉnh Trung Bộ tiếp tục có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 38 độ, có nơi trên 39 độ C.
Dự báo, ngày 1/7 do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén nên ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh từ chiều tối chuyển mưa dông rải rác, nắng nóng kết thúc ở vùng ven biển, vùng núi tiếp tục có nắng nóng cục bộ.
Các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận tiếp tục có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ phổ biến 34 - 37 độ, có nơi trên 38 độ C. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 11 - 17 giờ.
Từ ngày 2 - 4/7, ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có khả năng mưa to đến rất to và rải rác có dông. Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mưa dông rải rác vào chiều và tối. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nắng nóng diện rộng chấm dứt ở Trung Bộ.
Trong khi đó, ngày hôm nay (1/7) riêng khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ (đặc biệt các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn) có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 30-60mm/12 giờ, có nơi trên 80mm/12 giờ). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi (đặc biệt là các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn), ngập lụt vùng trũng ở khu vực trên.
Khu vực Hà Nội đêm nay (1/7) có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Cũng theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, vào hồi 1h ngày 1/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp trên Biển Đông ở vào khoảng 17,7-18,7 độ Vĩ Bắc; 113,5-114,5 độ Kinh Đông, ngay trên phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa.
Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp hầu như ít dịch chuyển và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Đến 1h ngày 2/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 250km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 - 7 (40 - 60km/giờ), giật cấp 9. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 13km và tiếp tục có khả năng mạnh thêm. Đến 1h ngày 3/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở ngay trên đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50 - 60km/giờ), giật cấp 9. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Cảnh báo: Với việc hình thành, phát triển ngay trên Biển Đông trong thời gian ngắn và kết hợp các yếu tố như nhiệt độ bề mặt nước biển cao, tương tác với các hệ thống thời tiết ở lục địa nên diễn biến của vùng áp thấp/ATNĐ có khả năng mạnh thành bão sẽ rất phức tạp, có khả năng di chuyển về phía đất liền nước ta, ảnh hưởng trực tiếp đến Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trong khoảng ngày 3 - 4/7.
Lực lượng chức năng huyện Nghi Xuân nỗ lực dập lửa. Ảnh: Tân Kỳ
Cháy rừng gây hậu quả nghiêm trọng cho các tỉnh miền Trung
Liên quan đến tình hình cháy rừng gây hậu quả nghiêm trọng tại Hà Tĩnh, theo thống kê sơ bộ, 3 ngày qua ngọn lửa đã thiêu rụi trên 200ha của 4 huyện là Hương Sơn, Nghi Xuân, Hồng Lĩnh và Cẩm Xuyên. Đặc biệt, tại huyện Nghi Xuân, ngọn lửa cháy lan rộng, tái phát nhiều lần. Tính đến nay, có khoảng 60ha rừng thông thuộc rừng phòng hộ bị thiêu cháy.
Tỉnh Hà Tĩnh đã huy động tổng lực lượng lên đến 15.000 lượt người bao gồm: Kiểm lâm, chủ rừng, công an, bộ đội, dân quân tự vệ và người dân; huy động 50 lượt xe cứu hỏa và hàng ngàn lượt máy thổi gió cứu hỏa. Đáng chú ý, lực lượng PCCC Nghệ An cũng đưa phương tiện và cán bộ, chiến sĩ sang hỗ trợ giập lửa tại Hà Tĩnh.
Các lực lượng đã thực hiện các phương án tác chiến, cắt rừng, làm đường băng cản lửa nhằm hạn chế thấp nhất những hậu quả do cháy rừng gây ra. Tuy nhiên, trong điều kiện gió Tây Nam thổi mạnh, ngọn lửa vừa được khống chế lại tiếp tục bùng phát và uy hiếp đến nhà dân. Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh và chính quyền các cấp đã có phương án để di dời các hộ dân ở sát chân núi nếu diễn biến phức tạp xảy ra.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong 5 ngày nắng nóng cao điểm, từ 26 - 30/6, trên địa bàn các tỉnh miền Trung đã có hàng trăm điểm bùng phát cháy rừng, trong đó có 15 vụ cháy gây thiệt hại khoảng trên 100ha rừng, gồm: Ninh Bình (1 vụ); Nghệ An (4 vụ), Hà Tĩnh (3 vụ), Quảng Trị (1 vụ) Thừa Thiên Huế (3 vụ), TP Đà Nẵng (1 vụ), Phú Yên (2 vụ).
Nguyên nhân do nắng nóng gay gắt bất thường kéo dài liên lục (lên đến trên 30 ngày), không có mưa, độ ẩm thấp, nền nhiệt luôn ở mức cao từ 37 - 39 độ C, có nhiều nơi trên 40 độ C, kèm theo gió lào khô nóng thổi mạnh cấp 6 - 7 nên đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng, cháy thảm cỏ, thực bì, cây bụi.