Do đó, nắng nóng sẽ xuất hiện ở vùng núi khu vực Bắc và trung Trung Bộ, một số nơi ở khu Tây Bắc Bắc Bộ và Nam Trung Bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 37 độ, có nơi trên 37 độ. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 11 - 16 giờ.
Ngày mai (29/4), nắng nóng mở rộng ra các tỉnh Bắc Bộ, Bắc và trung Trung Bộ với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 37 độ; riêng vùng núi Bắc và trung Trung Bộ có nơi có nắng nóng gay gắt với nhiệt độ 38 - 39 độ. Ở các tỉnh Trung Bộ nắng nóng có khả năng kéo dài đến ngày 1/5.
Khu vực Hà Nội ngày hôm nay (28/4) trời nắng với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 31 - 33 độ. Trong khi đó khu vực Bắc Bộ có mây, có mưa rào và dông rải rác; riêng khu Tây Bắc Bộ ngày có nắng nóng. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Tại các khu vực khác có mây, ngày nắng, có nơi có nắng nóng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Theo Báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thanh Hóa và Nghệ An, mưa đá và lốc xoáy xảy ra trên địa bàn các tỉnh ngày 26/4/2019 khiến 1 người chết (chị Lộc Thị Thúy Loan, sinh năm 1990, tại đội 8, xã Nga Tân, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, chết do nhà sập trong cơn lốc).
894 nhà bị thiệt hại, hư hỏng; trong đó 4 nhà bị thiệt hại hoàn toàn (Yên Bái 1 nhà, Thanh Hóa 3 nhà), 890 nhà bị tốc mái (Bắc Kạn 62 nhà, Cao Bằng 237 nhà, Yên Bái 378 nhà, Thanh Hóa 177 nhà, Nghệ An 28 nhà).
Thiên tai cũng gây thiệt hại 187 ha lúa (Yên Bái 111 ha, Thanh Hóa 71 ha, Nghệ An 5 ha); 84 ha ngô (Yên Bái 54 ha, Bắc Kạn 1.3 ha, Thanh Hóa 28.7 ha); 3.4 ha cây ăn quả (Yên Bái 3.4 ha). 205 ha rừng và cây lâm nghiệp bị gãy đổ (Yên Bái 18 ha, Thanh Hóa 181 ha, Nghệ An 6 ha).
Ngay sau khi thiên tai xảy ra Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương đã tổ chức xuống thăm hỏi, động viên những gia đình bị thiệt hại, huy động lực lượng tại chỗ giúp đỡ nhân dân khẩn trương khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống.