Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng sức cạnh tranh cho du lịch Thủ đô bằng sở hữu trí tuệ

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) cho các sản phẩm du lịch, giúp tạo dựng niềm tin về chất lượng dịch vụ của sản phẩm du lịch đó trong lòng khách hàng.

Đó là quan điểm chung, được các nhà quản lý, nhà khoa học, DN đưa ra tại hội thảo khoa học “Quản lý, khai thác, phát huy giá trị tài sản trí tuệ nhằm thúc đẩy phát triển du lịch Thủ đô”, do Sở KH&CN phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội tổ chức sáng 14/10.

Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn (giữa) phát biểu tại hội thảo
Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn (giữa) phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn nêu quan điểm, SHTT là một bộ phận của tài nguyên du lịch, đó chính là lợi thế cạnh tranh của địa phương này với địa phương khác, góp phần vào việc tạo ra tính độc đáo, sự duy nhất, giúp phân biệt sản phẩm du lịch của các điểm đến với nhau.

Nhận thức được tiềm năng cũng như những khó khăn trong cạnh tranh giữa các TP về điểm đến, du lịch Hà Nội cần xây dựng nét đặc trưng riêng, có dấu hiệu nhận diện rõ ràng để thu hút du khách. Đặc biệt là bảo vệ, quản lý, khai thác tài sản trí tuệ trong phát triển dịch vụ du lịch Hà Nội đóng vai trò quan trọng.

Mục đích của hội thảo là bàn luận các giải pháp và nhận dạng tài sản trí tuệ trong lĩnh vục du lịch, nhằm đưa SHTT trở thành công cụ quan trọng nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm, dịch vụ và thị trường du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Mặt khác, hội thảo cũng nhằm thực hiện nội dung Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn TP đến năm 2030, chỉ tiêu đến năm 2025 tối thiểu 40% và đến năm 2030 là 60% sản phẩm, dịch vụ (du lịch, tài chính…) chủ lực, đặc thù của TP được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý, phát triển tài sản trí tuệ.

Chia sẻ về thực trạng của ngành du lịch Thủ đô, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, Hà Nội có tiềm năng khai thác du lịch rất lớn bởi là Thủ đô của cả nước. Hiện nay, hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch từng bước được xây dựng đồng bộ, tạo điều kiện tăng trưởng các chỉ tiêu phát triển du lịch, đem lại hiệu quả cao về kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường.

Tính đến tháng 12/2021, trên địa bàn TP có 3.725 cơ sở lưu trú, với 70.011 phòng; trong đó có 591 cơ sở lưu trú đã xếp hạng sao với 24.515 phòng; có 1.045 DN lữ hành quốc tế; 5.998 hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ; 23 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống… Việc cung cấp các dịch vụ công cộng như mạng wifi miễn phí, hệ thống thông tin hướng dẫn du khách, cơ sở dịch vụ tại các khu, điểm du lịch được quan tâm triển khai trên địa bàn TP.

Theo ông Trần Trung Hiếu, hiện nay, khái niệm SHTT trong chiến lược phát triển của ngành du lịch Thủ đô còn nhiều mới lạ, nhưng nó đang dần trở thành yếu tố quan trọng để góp phần đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, một động lực phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Một sản phẩm du lịch hay một điểm đến du lịch muốn phát triển không chỉ cần thị trường biết đến, mà quan trọng hơn là cần giữ chân du khách bằng sự tín nhiệm. Sự tín nhiệm đó chỉ có thể được duy trì nhờ vào hệ thống tiêu chí chất lượng và kiểm soát chất lượng của mỗi loại tài sản trí tuệ. Khai thác tài sản trí tuệ trong du lịch là hướng phát triển bền vững, giúp Thủ đô cũng như các địa phương khác vừa gìn giữ được bản sắc văn hóa, đồng thời có tể mang lại lợi ích kinh tế cho chính địa phương đó.

Để phát huy hiệu quả giá trị của tài sản trí tuệ trong phát triển ngành du lịch, Phó Cục trưởng Cục SHTT (Bộ KH&CN) Nguyễn Văn Bảy cho rằng, Hà Nội cần phải lựa chọn ưu tiên phát triển tài sản trí tuệ có tính liên kết với cộng đồng địa phương và khả năng tham gia vào chuỗi du lịch; nên xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch thủ đô, du lịch Hà Nội có bộ nhận diện qua tên gọi, logo, hình ảnh đặc trưng. Nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý nếu được sử dụng một cách chiến lược sẽ là công cụ SHTT hữu hiệu để thực hiện việc tiếp thị tập thể, quảng bá sản phẩm và dịch vụ của địa phương.

Bên cạnh đó, cần xây dựng, quản lý và khai thác tốt các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận. Coi trọng uy tín chất lượng của sản phẩm, dịch vụ nhằm bảo đảm phát triển bền vững, bảo tồn được các sản phẩm truyền thống, nâng cao giá trị sản phẩm, dịch vụ. Và cũng cần có chính sách quản lý, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, bảo hộ quyền SHTT không chỉ trong nước mà còn sớm bảo hộ ở nước ngoài.