30 quốc gia thành viên của NATO đã chính thức phê duyệt hồ sơ đăng ký thành viên của Phần Lan và Thụy Điển vào ngày 5/7, đồng thời chuyển đơn của họ đến các thủ đô của liên minh để các cơ quan lập pháp phê chuẩn.
Quá trình phê chuẩn cần có sự nhất trí của cả 30 quốc gia và có thể mất ít nhất vài tháng.
"Đây thực sự là một khoảnh khắc lịch sử", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết tại một cuộc họp báo cùng với ngoại trưởng hai nước, bà Ann Linde của Thụy Điển và ông Pekka Haavisto của Phần Lan.
Ông nói: “Với 32 quốc gia, chúng ta sẽ còn mạnh hơn nữa".
Cả ba đều thừa nhận những lo ngại về khủng bố được bày tỏ bởi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người ban đầu phản đối tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển - khiến đàm phán về việc gia nhập rơi vào bế tắc.
Tổng thư ký NATO Stoltenberg là người có công trong việc đàm phán một bản ghi nhớ ba bên tại hội nghị thượng đỉnh của NATO vào tuần trước ở Madrid nhằm tháo gỡ thế bế tắc trên.
Tổng thống Erdogan tại sự kiện cũng lưu ý Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không phê chuẩn các đơn đăng ký nếu Thụy Điển và Phần Lan không tuân thủ các cam kết của họ trong thỏa thuận.
Tuyên bố trên bị bác bỏ một cách lịch sự bởi cả Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto và Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde, người cho biết tất cả các yêu cầu dẫn độ sẽ được xử lý bởi các tòa án tương ứng của họ theo luật pháp quốc gia.
Bà Linde nói, Thụy Điển "sẽ tôn trọng bản ghi nhớ một cách đầy đủ", đồng thời nói thêm rằng không có con số hoặc danh sách dẫn độ nào được đề cập ở đó. Ông Haavisto nói: "Không có tài liệu kín đằng sau đó, và không có thỏa thuận kín."
Theo NYT, sự gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan sẽ tăng cường khả năng răn đe của NATO đối với Nga và giúp dễ dàng hơn cho việc cảnh sát Biển Baltic hành động và bảo vệ các quốc gia Baltic.
Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, cả hai nước đều là đối tác của NATO và tham gia các cuộc tập trận chung.
Sau khi Nga tấn công Ukraine vào tháng 2, hai quốc gia kết thúc hàng thập kỷ trung lập - không liên kết quân sự và xin gia nhập NATO.
Theo tờ Helsingin Sanomat của Phần Lan, các nước Bắc Âu, bao gồm Phần Lan, Đan Mạch và Na Uy, sẽ có gần 300 máy bay chiến đấu, 143 trong số đó là F-35, vào năm 2030. Thụy Điển sẽ tiếp tục sử dụng máy bay chiến đấu Gripen của riêng mình, do Saab.