KTĐT - Tổng Thư ký Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen ngày 3/3 tuyên bố NATO không có ý định can thiệp vào Libya, nhưng vẫn lên kế hoạch cho "mọi tình huống."
Ông Rasmussen cũng nhấn mạnh rằng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có thẩm quyền quyết định về bất cứ hành động quân sự nào tại Libya, trong đó có việc đặt ra một vùng cấm bay.
Về phần mình, Pháp tỏ ra khá miễn cưỡng đối với giải pháp can thiệp quân sự. Ngoại trưởng Alain Juppe cho biết kế hoạch lập vùng cấm bay chỉ nên được thực thi trong trường hợp LHQ kêu gọi áp dụng biện pháp này. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO - đã bác bỏ mọi khả năng can thiệp quân sự, coi đây là "hành động phi lý."
Trong khi đó, khoảng 400 lính thủy đánh bộ Mỹ từ North Carolina đã được huy động rời căn cứ quân sự Souda của Mỹ ở Hy Lạp, sẵn sàng lên các tàu chiến Mỹ tại Địa Trung Hải. Theo người phát ngôn căn cứ này, ông Paul Farley, "đây là một phần kế hoạch tái bố trí lực lượng tại khu vực gần Libya." Hiện hai tàu đổ bộ tấn công của Mỹ, USS Kearsage và USS Ponce, đã đến Địa Trung Hải và đang trên đường hướng tới Libya.
Cùng ngày, một phát ngôn viên của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) cho biết các Ngoại trưởng EU sẽ nhóm họp bất thường tại Brussels vào ngày 10/3 nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh EU về tình hình Libya dự kiến diễn ra một ngày sau đó.
Tổ chức Di chú quốc tế (IOM) đã bắt đầu công tác sơ tán người nhập cư đang bị kẹt tại thành phố cảng Benghazi của Libya. Khoảng 200 phụ nữ và trẻ em, cùng những người cần được trợ giúp về y tế, sẽ được ưu tiên. Đợt sơ tán đầu tiên sẽ được thực hiện qua đường cửa khẩu Saloum của Ai Cập.
Theo IOM, khoảng 5.500 người nhập cư đã được làm thủ tục để sơ tán, đa số là người Bangladesh, Ấn Độ và Sudan. Một số nhóm nhỏ người nhập cư Syria, Ghana và nhiều quốc tịch khác đang chờ được về nước. IOM cho biết đến nay nhiều người nhập cư vẫn đang ở Benghazi "vì sợ hoặc không biết đến sự trợ giúp có thể nhận được tại biên giới Ai Cập."
Nhiều người không có giấy tờ tùy thân rất khó được phép qua biên giới. Tuy nhiên, IOM cho biết điều quan trọng là phải đưa người nhập cư châu Phi rời Libya "càng nhanh càng tốt" bởi họ đang ở trong "những điều kiện khốc liệt" và dễ bị tổn thương./.