Tuy nhiên, nhiều giáo viên (GV) cho rằng, cần có hướng dẫn cụ thể, có lộ trình, không thể áp ngay để thực hiện.
Điểm thực hành thay bài kiểm tra
Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, bên cạnh đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá ở bậc tiểu học, năm học này sẽ thực hiện cả với bậc THCS và THPT. Các trường đánh giá HS theo hướng toàn diện, thông qua nhiều hình thức như: Nghiên cứu khoa học, thí nghiệm, thuyết trình… thay cho các bài kiểm tra. Bên cạnh đó, các trường tăng cường đa dạng hóa các hình thức học tập, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học… nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và rèn luyện phương pháp tự học, kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn của HS.
Ngoài thay đổi cách đánh giá, hình thức kiểm tra cũng được lãnh đạo ngành GD&ĐT khẳng định sẽ có thay đổi. Cụ thể, Bộ yêu cầu các trường thực hiện nghiêm việc xây dựng đề thi, kiểm tra theo ma trận. Đề kiểm tra bao gồm các câu hỏi, bài tập (tự luận hoặc/và trắc nghiệm) theo 4 mức độ từ dễ đến khó, bao gồm: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Trong đó, mức độ cao nhất là HS vận dụng được các kiến thức, kỹ năng để giải quyết các tình huống, vấn đề mới, không giống với những tình huống, vấn đề đã được hướng dẫn. Điều đáng nói trong khâu đổi mới kiểm tra là GV hoàn toàn có thể sử dụng các hình thức đánh giá nói trên để thay cho các bài kiểm tra hiện hành.
Khó thực hiện
Trước yêu cầu mới dành cho việc đánh giá HS cấp THCS và THPT này, rất nhiều GV cho rằng khó thực hiện. Bởi cách đánh giá năm nay sẽ phải bao gồm các hoạt động đa dạng như nghiên cứu khoa học, lập dự án học tập, thí nghiệm, thực hành… để lấy điểm thay vì chỉ tiến hành kiểm tra 15 phút, 1 tiết như thông thường (trước đây với môn Toán, mỗi học kỳ, GV phải đảm bảo 2 - 3 bài kiểm tra 1 tiết, 4 đầu điểm kiểm tra 15 phút; đối với môn Văn phải đảm bảo 6 bài kiểm tra 1 tiết, 10 bài kiểm tra 15 phút…).
Một GV dạy Văn tại một trường THCS trên địa bàn quận Đống Đa khẳng định, không được hướng dẫn cụ thể, GV sẽ rất khó thực hiện: “Công việc giảng dạy, kiểm tra, chấm bài hiện đã hết sức vất vả. Muốn thêm hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu phải bỏ bớt những yêu cầu cũ thì GV mới có đủ thời gian thực hiện”. Đồng quan điểm, một GV trường THCS Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) cho rằng, với cơ sở vật chất như hiện nay không thể đáp ứng ngay được theo yêu cầu của Bộ: “Đồng ý với chủ trương đổi mới của Bộ, nhưng theo cá nhân tôi, để áp đúng ngay yêu cầu không phải đơn giản. Nếu thực hiện theo cách làm, đánh giá HS như yêu cầu của Bộ thì chỉ phù hợp với lớp học khoảng 10 - 20 HS. Hiện, sĩ số trung bình mỗi lớp 40 HS, rất khó để thực hiện. Đánh giá ở cấp tiểu học thì được, cấp THCS với nhiều môn học, khối lượng kiến thức lớn, đánh giá theo thang điểm 10 sẽ hiệu quả hơn. Ví dụ, một HS được điểm 2 - 3, GV sẽ có hình thức hướng dẫn, giúp đỡ HS trong học tập, chứ đánh giá mới chỉ ra thế nào?”.
Cũng theo nhận định của GV này, việc đổi mới theo yêu cầu của Bộ là chưa hợp lý, còn nhiều bất cập. Cụ thể là nên bắt đầu từ “gốc”, nghĩa là làm từ bậc mầm non, tiểu học rồi lên dần các bậc học cao hơn, chứ không nên đổi mới giữa chừng. Hơn nữa, hiện nay, cơ sở vật chất còn thiếu, yếu chưa thể đáp ứng theo yêu cầu đổi mới. Bên cạnh đó, sĩ số HS quá đông, áp dụng các hình thức trải nghiệm, nghiên cứu thế nào? Một GV làm sao đưa HS đến chỗ này, chỗ kia; xảy ra sự cố thì ai chịu trách nhiệm; rồi kinh phí từ đâu để phục vụ nghiên cứu, trải nghiệm?...
“Không thể “bộp” cái làm ngay ở bậc THCS, THPT được. Làm phải có giải pháp dài hơi, phải đủ các yếu tố cơ sở vật chất, kinh phí, trang thiết bị. Đặc biệt, đội ngũ GV cũng phải được đào tạo để đáp ứng theo cách dạy, cách làm theo phương pháp mới” - GV này khẳng định. Và đây cũng là quan điểm chung của đa số GV cấp THCS và THPT trước yêu cầu đổi mới cách kiểm tra, đánh giá HS áp dụng từ năm học 2015 - 2016.
Giờ Tin học của học sinh lớp 11 trường THPT Tiền Phong, huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng
|