Theo ông Châu, vì đây chỉ là chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứ không phải là bán sản phẩm cho người tiêu dùng cuối cùng nên luật chưa cho phép.
TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 1.407 dự án phát triển BĐS, trong đó có 689 dự án tạm ngưng triển khai, 85 dự án bị thu hồi chủ trương đầu tư. Đây cũng là nguồn dự án tiềm năng cho hoạt động M&A trong thời gian tới. Thực tế, hoạt động mua bán chuyển nhượng dự án (M&A), hợp tác đầu tư phát triển dự án BĐS diễn ra rất mạnh giữa các DN. Trong đó, nổi bật vai trò thống lĩnh của các DN trong nước, với những tên tuổi lớn như Vingroup, Novaland, Đại Quang Minh, Hưng Thịnh, Phúc Khang... Thông qua hoạt động M&A, các DN đã tự giải quyết một phần quan trọng hàng tồn kho, nợ xấu trên thị trường BĐS. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 49 Luật Kinh doanh BĐS năm 2014, chủ đầu tư chỉ được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng. Quy định này đã có phần giảm nhẹ so với Luật Kinh doanh BĐS 2006, nhưng chưa giải quyết được triệt để các vấn đề đang tồn tại hiện nay, đồng thời khiến cho hoạt động mua bán, sáp nhập bị bó hẹp. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, cho phép DN được quyền chuyển nhượng toàn bộ dự án hoặc một phần dự án ngay sau khi đã hoàn thành GPMB, tạo quỹ đất sạch của dự án, thay vì phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án mới được chuyển nhượng. Đồng thời, coi việc chuyển nhượng toàn bộ dự án hoặc một phần dự án là hoạt động bình thường trong quá trình đầu tư kinh doanh BĐS theo nhu cầu của các DN.