Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đường cao tốc Cam Lộ – Túy Loan:

Nên nâng cấp đồng bộ thay vì hạn chế giao thông

Sỹ Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Từ tháng 10/2024, các tuyến đường cao tốc trên cả nước sẽ đầu tư đồng bộ 4 làn xe, thay cho hiện trạng 2 làn xe ở một số dự án lâu nay. Tiêu chí này, chiếu xét lại với dự án đường cao tốc Cam Lộ – Túy Loan là hoàn toàn cần thiết.

Bộ GTVT đã có văn bản thống nhất từ tháng 10/2024, các tuyến đường cao tốc trên cả nước sẽ đầu tư đồng bộ 4 làn xe, thay cho hiện trạng 2 làn xe ở một số dự án lâu nay. Tiêu chí này, chiếu xét lại với dự án đường cao tốc Cam Lộ – Túy Loan là hoàn toàn cần thiết, giúp giải quyết triệt để thực trạng tai nạn xảy ra liên tiếp trong thời gian qua.

Tuy nhiên, dư luận xã hội đang hình thành hai hướng đề xuất, hoặc chấp nhận vừa thi công nâng cấp vừa cho giao thông hoạt động; hoặc dừng hẳn hoạt động của tuyến đường này, để tập trung thi công nâng cấp lên 4 làn xe.

Hạn chế chỉ là giải pháp đối phó

Phản ánh của các tài xế về hiện trạng tuyến đường cao tốc Cam Lộ – Túy Loan, có thể quy về bốn điểm nhược: chỉ có hai làn xe không có dải phân cách cứng; hệ thống tín hiệu cảnh báo, dẫn đường bị hạn chế trong điều kiện thời tiết xấu; tuyến đường nhiều đèo dốc quanh co, khúc gập khó quan sát, mặt đường không bằng phẳng, nhiều đoạn lồi lõm gồ ghề nguy hiểm; bố trí chêm xen hai làn xe và bốn làn xe dễ gây tâm lý đua chen ở tài xế, gặp các nút thắt cổ chai thành ra nguy hiểm.

Kiến nghị chung của giới tài xế khi qua tuyến đường này là cần mở rộng ít nhất bốn làn xe toàn tuyến, thi công mặt đường bằng phẳng, hạn chế ảnh hưởng đèo dốc lên xuống quanh co, lắp đặt các hệ thống biển báo, dẫn đường chất lượng hơn, cung cấp hệ thống tín hiệu viễn thông đảm bảo kết nối an toàn, liên tục.

Được như vậy, tuyến đường cao tốc sẽ phát huy hiệu quả, độ an toàn tăng và không còn những nguy cơ tai nạn tiềm ẩn.

Mới chỉ có hai làn xe và nhiều đèo dốc, khúc cua nên tuyến Cam Lộ - Túy Loan tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.
Mới chỉ có hai làn xe và nhiều đèo dốc, khúc cua nên tuyến Cam Lộ - Túy Loan tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.

Ông Trần Hữu Hùng, Giám đốc sở GTVT tỉnh Quảng Trị nhìn nhận, ý kiến đề xuất từ những người trực tiếp tham gia giao thông trên tuyến đường cao tốc là rất đáng ghi nhận, các cơ quan chức năng nên lưu tâm để có các giải pháp và chủ trương hợp lý.

Quan điểm của Sở GTVT địa phương là hết sức hỗ trợ và tham gia quản lý tuyến đường cao tốc này sao cho an toàn và hiệu quả, sớm chấm dứt những thông tin tai nạn trên tuyến.

Có thể thấy, từ những ghi nhận cả hai phía quản lý thực thi và tham gia, tuyến đường cao tốc Cam Lộ – Túy Loan đang rất cần nhận được động thái, chủ trương quyết liệt của bộ chủ quản.

Tuyến đường này, từ khi đi vào hoạt động khai thác đến nay, luôn nhận được những phản ánh tiêu cực và âu lo trong cộng đồng xã hội. Từ những phần lỗi trong thiết kế, lắp đặt biển báo, thiết bị hỗ trợ, cho đến quá trình điều tiết, vận hành giao thông qua tuyến đường. Dư luận luôn đặt ra những câu hỏi đầy trăn trở về mức độ an toàn của tuyến đường.

Một số chuyên gia tư vấn giao thông bày tỏ, ở góc độ an toàn này, phải khẳng định tuyến đường cao tốc Cam Lộ – Túy Loan là điểm nóng bất an. Một khi tai nạn liên tục xảy ra, cấp độ nguy hiểm không ngừng tăng, nhất định phải có một chủ trương rõ ràng về điều chỉnh, xử lý ngay tình hình tuyến đường.

 Nên đầu tư nâng cấp đồng bộ

Theo đó, ý kiến dư luận đối với chủ trương từ bộ GTVT là cắt giảm tốc độ, hạn chế một số phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường, thực tế không giải quyết dứt điểm các vấn nạn và nguy cơ.

Thậm chí, với mật độ lưu lượng xe luôn tăng, chỉ có các xe trong phạm vi cho phép hoạt động, có thể còn nảy sinh tâm lý chủ quan, và các đối tượng cầm lái chưa đủ kỹ năng sẽ còn gây ra những sự vụ xấu hơn. Hơn nữa, với một tuyến đường cao tốc mà tốc độ tối đa bị giảm dưới 60 km/h, thì nên xem lại chất lượng hiệu quả tuyến đường, không còn đúng tiêu chuẩn cao tốc.

Theo đó, nhiều tài xế kiến nghị, nếu bộ thực sự vào cuộc, có thể nghiên cứu cho dừng hoạt động tuyến đường cao tốc Cam Lộ – Túy Loan, để tổ chức thi công mở rộng 4 làn xe toàn tuyến trong thời gian nhanh nhất.

Hoạt động giao thông qua khu vực cần trở lại theo tuyến Quốc lộ 1A với tính chất tạm thời. Như thế, giao thông tuyến Quốc lộ 1A có căng thẳng, chịu sức ép hơn, nhưng sẽ nhất quán, thuận lợi hơn. Chỉ cần được điều tiết vận hành tốt, tình hình giao thông từ Quảng Trị đi Đà Nẵng sẽ không có trở ngại lớn.

Nhiều ý kiến cho rằng, có thể nghiên cứu cho dừng hoạt động tuyến đường cao tốc Cam Lộ – Túy Loan, để tổ chức thi công mở rộng 4 làn xe toàn tuyến trong thời gian nhanh nhất.
Nhiều ý kiến cho rằng, có thể nghiên cứu cho dừng hoạt động tuyến đường cao tốc Cam Lộ – Túy Loan, để tổ chức thi công mở rộng 4 làn xe toàn tuyến trong thời gian nhanh nhất.

Ngược lại, nếu tập trung “đóng cửa” tuyến đường để phục vụ mở rộng 4 làn xe, việc thi công sẽ đảm bảo hơn, tiến độ nhanh hơn.

Đơn vị thi công, các nhà thầu sẽ được huy động tối đa, nhất là đặt được yêu cầu trách nhiệm năng lực của nhà thầu vào công trình. Bởi lẽ khi các nhà thầu được yêu cầu trách nhiệm kỹ thuật, không chỉ là tổ chức thi công theo thiết kế, chỉ đạo từ bộ ngành, họ sẽ phát huy được năng lực, kinh nghiệm thực tế, từ đó xử lý các vấn đề nảy sinh ở tuyến đường cao tốc một cách khoa học và triệt để hơn.

Điều quan trọng, là nếu lựa chọn tập trung vào nâng cấp tuyến đường, không có việc “vừa làm vừa sửa”, chất lượng tuyến đường cao tốc Cam Lộ – Túy Loan sẽ đảm bảo hơn rất nhiều. Điều này, nếu đối soát lại với tuyến Đà Nẵng – Quảng Ngãi liên tục hư hỏng, sửa chữa vá víu, có thể thấy là cần nhất quán lựa chọn phương án thi công sẽ tốt hơn.

Ngay trước mắt, khi chủ trương bộ đưa ra yêu cầu cắt giảm loại phương tiện, dư luận đã có những phản ánh bức xúc không đồng thuận. Thay vì phải cân nhắc chọn cho phương tiện nào lưu thông, quản lý hạn chế phương tiện nào, chỉ cần thống nhất xử lý xong việc mở rộng tuyến đường, mọi việc sẽ đơn giản nhanh chóng hơn, và có sự đồng thuận cao hơn.