70 năm giải phóng Thủ đô

Nên thí điểm trước khi thực hiện đồng loạt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm học 2015 - 2016, Bộ GD&ĐT đặt ra yêu cầu đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá đối với bậc THCS và THPT.

Giáo viên (GV) các trường sẽ đánh giá học sinh (HS) qua các hoạt động trên lớp; qua hồ sơ học tập; qua việc báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học… thay cho các bài kiểm tra hiện hành. Tuy nhiên, theo cô Nguyễn Hương Trà – GV trường THCS Trung Giã (huyện Sóc Sơn), để thực hiện được yêu cầu này, trước hết nên thí điểm ở 1 – 2 môn học cụ thể. Sau một kỳ, một năm học xem những ưu, khuyết ra sao để điều chỉnh, sau đó sẽ thực hiện rộng hơn ở từng lớp, từng trường, từng vùng miền cho phù hợp. Chưa nên áp dụng đều đều ở bậc phổ thông, bởi HS cấp 2 và cấp 3 có nhiều môn học, kiến thức nặng hơn rất nhiều so với bậc tiểu học.

“Việc đánh giá theo phương pháp mới là phải theo dõi, giám sát trong một quá trình dài. Trong khi đó với những môn trọng điểm như Văn, Toán thì số bài kiểm tra 1 tiết là 5 bài, bài kiểm tra 15 phút là 10 – 12 bài. Như vậy, để khớp cho đủ số đầu điểm trong từng môn học, GV sẽ rất vất vả bởi song song với việc kiểm tra, đánh giá, vẫn phải đảm bảo công tác giảng dạy. Trên lý thuyết, việc giám sát, theo dõi tiến độ thực hiện của HS nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và rèn luyện phương pháp tự học, kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Nếu áp dụng phương pháp này thì GV sẽ phải hoạt động hết công suất may ra mới đáp ứng được yêu cầu.

Ngoài ra, để áp dụng ngay không phải đơn giản, bởi thực tế hiện nay cơ sở vật chất trường, lớp, vùng, miền nhiều nơi còn thiếu thốn. Không thể áp dụng cách đánh giá đồng đều ở các nhà trường, bởi không phải trường nào cũng có đủ điều kiện, trong khi kinh phí hạn hẹp, lớp học quá đông... GV sẽ không kiểm soát được hết hoạt động của từng em. Do vậy, trước mắt chỉ nên áp dụng, làm thử nghiệm ở 1 môn học, ở nơi trường lớp đủ điều kiện. Song song với đó là đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ giáo viên, từ đó rút kinh nghiệm, cái hay sẽ triển khai áp dụng dần sang các khối học khác.

Đặc biệt, để đổi mới dạy – học, áp dụng cách đánh giá mới đối với HS, trước hết ngành giáo dục cũng cần có hình thức đổi mới, quan tâm và đầu tư chế độ tiền lương, thưởng cho GV; Quan tâm đến quyền lợi, cuộc sống GV để họ yên tâm đứng lớp, dành thời gian và nhiệt huyết cho sự nghiệp trồng người”.