Ít nhất 4 người chết, hàng loạt nhà cửa bị tàn phá, nhiều khu vực bị nhấn chìm, và hàng ngàn chuyến bay bị hủy là tình cảnh hiện tại của New Zealand.
Nghiêm trọng hơn, đất nước này có thể phải gánh chịu thêm một đợt mưa lớn trong những ngày tới – Các nhà chức trách cho biết.
Sau khi tính toán thiệt hại, các công ty bảo hiểm cho biết đây là thảm họa tự nhiên gây tổn hại nặng nề nhất cho nền kinh tế nước này từ trước đến nay.
Thời tiết xấu khiến hàng loạt chuyến bay bị hủy, đẩy hàng nghìn hành khách trong tình trạng mắc kẹt, trong đó có hàng trăm người nước ngoài – Hãng hàng không quốc gia Air New Zealand cho biết.
Hậu quả nặng nề đến mức các trường học ở Auckland - thành phố lớn nhất với 1,6 triệu dân - sẽ phải đóng cửa thêm ít nhất 1 tuần nữa.
Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins cho hay thiệt hại là vô cùng nặng nề đối với New Zealand nói chung và đặc biệt là Auckland, chủ yếu từ lũ lụt và lở đất trên diện rộng.
Ông nhấn mạnh, hiện có khoảng 350 người đang cần chỗ ở khẩn cấp.
Bão táp chưa qua
Metservice dự báo những cơn mưa lớn tiếp theo sẽ tiếp tục ập vào thành phố vốn đã ngập chìm trong biển nước này.
Ông Rachel Kelleher thuộc Ban Quản lý Khẩn cấp Auckland cho biết: “Sắp tới, tình hình thời tiết còn bất lợi hơn và chúng tôi cần phải sẵn sàng ứng phó”.
Ông cho biết thêm, có hàng chục cuộc gọi cứu hỏa trong đêm.
Viện Nghiên cứu Nước và Khí quyển quốc gia (NIWA) cho biết Auckland đã ghi nhận lượng mưa trung bình tháng 1 cao hơn 8 lần và bằng 40% lượng mưa trung bình hàng năm.
Khoản bảo hiểm khổng lồ
Chi phí khắc phục hậu quả dự kiến sẽ lên đến 97 triệu đô la New Zealand (63 triệu đô la Mỹ) - Theo Christian Judge, người phát ngôn của Hội đồng Bảo hiểm New Zealand.
Tập đoàn Bảo hiểm Úc tại New Zealand cho đến nay đã nhận được hơn 5.000 yêu cầu bồi thường. Trong khi đó, tập đoàn Suncorp và New Zealand's Tower lần lượt nhận được khoảng 3.000 yêu cầu và khoảng 1.900 yêu cầu.
IAG cho biết: “Số lượng khiếu nại dự kiến sẽ tăng hơn nữa trong những ngày tới khi tình hình thời tiết vẫn diễn biến xấu.
Các nhà kinh tế cho rằng việc phục hồi lại cơ sở vật chất có thể dẫn đến lạm phát cao ở New Zealand.