Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga: Bí ẩn vẫn bao trùm các cuộc điều tra vụ phá hoại Nord Stream

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quan chức an ninh cấp cao Nga nói rằng nước này vẫn chưa biết chắc chắn ai đứng sau vụ tấn công đường ống Nord Stream vì Moscow chưa được tham gia cuộc điều tra vụ nổ.

Thư ký Hội đồng An ninh Nga, ông Nikolay Patrushev. Ảnh: RT
Thư ký Hội đồng An ninh Nga, ông Nikolay Patrushev. Ảnh: RT

Ngày 13/3, Thư ký Hội đồng An ninh Nga, ông Nikolay Patrushev, cho biết Moscow mong muốn có một cuộc điều tra kỹ lưỡng nhằm tìm ra thủ phạm của vụ phá hoại đường ống khí đốt Nord Stream hồi tháng 9 năm ngoái.

Trong bài trả lời phỏng vấn tờ Argumenti i Fakti của Nga xuất bản hôm nay, ông Patrushev tuyên bố thông tin nói rằng "nhóm thân Ukraine phá hoại đường ống" đã được "nhồi cho truyền thông" nhằm che giấu "thủ phạm thực sự". Theo quan chức Nga, chỉ có các lực lượng đặc nhiệm mới đủ khả năng tiến hành những vụ phá hoại như vậy.

"Mỹ và Anh chắc chắn có những lực lượng như vậy. Các quốc gia NATO cũng cho phép các lực lượng đặc nhiệm thực hiện các vụ phá hoại nhằm vào hạ tầng năng lượng của Nga nếu nước đứng đầu khối quân sự “bật đèn xanh” và hỗ trợ” - RT dẫn tuyên bố của ông Putrushev cho hay.

Ông Patrushev lưu ý thêm rằng Nga vẫn chưa biết chắc chắn ai đứng sau vụ tấn công, vì Moscow chưa được tham gia cuộc điều tra vụ nổ. Theo quan chức an ninh Nga, chỉ có một cuộc điều tra quốc tế khách quan và dựa trên các bằng chứng mới có thể chấm dứt những tranh cãi xung quanh vụ phá hoại đường ống khí đốt chạy dưới Biển Baltic.

Thư ký Hội đồng An ninh Nga cũng nghi ngờ thông tin nhóm thân Ukraine phá hoại đường ống Nord Stream, nói rằng Kiev không được lợi trong việc này. Ông nhấn mạnh: "Các vụ nổ đường ống Nord Stream có lợi cho Ukraine hay Đức? Kiev không mất hay được gì từ việc này. Hơn nữa, chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky, vốn đang hy vọng Đức tăng cường hỗ trợ quân sự và các viện trợ khác, không cần phải tiến hành hoạt động như vậy".

Tuyên bố trên được ông Patrushev đưa ra sau khi truyền thông Mỹ và Đức tuần trước dẫn nguồn tin giấu tên trong giới tình báo, ngoại giao phương Tây cho hay điều tra viên đã phát hiện dấu hiệu cho thấy một nhóm ủng hộ Ukraine đã dùng thuốc nổ tấn công đường ống Nord Stream hồi tháng 9/2022.

Giới chức phương Tây cho rằng Tổng thống Zelensky và quan chức Ukraine không liên quan đến vụ phá hoại, do Kiev không muốn làm tổn hại nền tảng ủng hộ của phương Tây dành cho mình.

Giới chức Ukraine phủ nhận liên quan vụ nổ. Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Zelensky, cho biết Kiev không có lý do gì để thực hiện vụ tấn công như vậy bởi nó không thúc đẩy bất kỳ lợi ích cốt lõi nào của Ukraine. 

Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng những thông tin như vậy là một sự nhồi nhét có phối hợp trên các phương tiện truyền thông nhằm đánh lạc hướng dư luận.

Theo quan chức Điện Kremlin, cuộc tấn công khủng bố như vậy chỉ có thể được tổ chức và thực hiện bởi tình báo quốc gia được đào tạo bài bản và không có nhiều lực lượng tình báo như vậy trên thế giới.

Ông cũng kêu gọi các nước góp vốn trong dự án Nord Stream và Liên Hợp Quốc thúc đẩy điều tra minh bạch để xác định những ai đã ra lệnh phá hủy đường ống, "bởi điều này đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho phép thực hiện một hành động khủng bố nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng quốc tế". 

Reuters hôm 10/3 đưa tin cảnh sát Đan Mạch đang điều tra một du thuyền tình nghi neo đậu tại một hòn đảo nhỏ trên biển Baltic, gần nơi xảy ra vụ nổ đường ống dẫn khí đốt. Cảnh sát Đan Mạch đang cố gắng xác định những người đã có mặt trên chiếc du thuyền khi nó neo đậu trên đảo Christianö vào tháng 9/2022.

Các nhà điều tra Đức đầu tuần trước đã xác định được một chiếc thuyền phục vụ cho hành động phá hoại này. Theo điều tra, nhóm 6 người đã thực hiện việc đặt chất nổ dưới đáy biển, họ đi thuyền từ Rostock ở miền Bắc nước Đức vào ngày 6/9/2022 đến Christianö. Chiếc thuyền chở họ đã neo đậu tại đảo này gần thời điểm xảy ra vụ nổ.

Vụ nổ đường ống Nord Stream xảy ra vào ngày 26/9/2022 tại vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển và Đan Mạch. Cả hai nước đều kết luận vụ nổ là có chủ ý, nhưng chưa đưa ra được kết luận chính thức về thủ phạm.