Mức giá trần này là nỗ lực mới nhất của 27 quốc gia EU sau nhiều tuần đàm phán về biện pháp khẩn cấp nhằm giảm giá khí đốt - vốn khiến hóa đơn năng lượng tăng cao và thúc đẩy lạm phát cao kỷ lục trong năm nay, sau khi Nga cắt hầu hết nguồn cung khí đốt cho châu Âu.
Mức trần - thấp hơn mức 275 Euro/megawatt giờ được Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất vào cuối tháng trước, vốn bị 12 nước thành viên trong khối phản đối - sẽ được áp dụng từ ngày 15/2/2023, nếu giá cao hơn mức chỉ định. Giới hạn giá sẽ không áp dụng cho các giao dịch OTC (diễn ra bên ngoài sàn giao dịch).
"Chúng tôi đã thành công trong việc tìm kiếm một thỏa thuận quan trọng bảo vệ người dân khỏi giá năng lượng tăng vọt" - Jozef Sikela, Bộ trưởng Công nghiệp của Cộng hòa Séc, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, cho biết.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck vẫn thận trọng về nguy cơ việc áp giá trần có thể làm gián đoạn thị trường năng lượng châu Âu. “Không ai ở Đức phản đối về giá khí đốt thấp, song chúng ta cần phải cực kỳ cẩn thận để không phải mong về nhiều điều tốt đẹp nhưng lại chuốc lấy những điều xấu," ông Habeck nhận định.
Reuters dẫn nguồn một quan chức EU tiết lộ rằng Đức đã tán thành mức giá trần sau khi các nước đồng ý thay đổi quy định nhằm đẩy nhanh giấy phép năng lượng tái tạo và có biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn - bao gồm điều kiện mức giá trần sẽ bị đình chỉ nếu EU phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung khí đốt hoặc mức sử dụng khí đốt tăng vọt.
Ủy viên năng lượng EU Kadri Simson cũng cho biết Cơ quan Chứng khoán và Thị trường Châu Âu (ESMA) và Cơ quan Hợp tác Năng lượng (ACER) của khối sẽ trình bày một báo cáo dữ liệu, dự báo những hậu quả có thể xảy ra khi áp mức trần giá này. "Ủy ban sẵn sàng đình chỉ kích hoạt trước cơ chế này, nếu phân tích từ ECB (Ngân hàng Trung ương châu Âu), ESMA và ACER cho thấy rủi ro lớn hơn lợi ích" - bà Kadri Simson nói.
Bộ trưởng Năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher cho biết, với việc thống nhất mức trần giá, giờ đây cần chuyển hướng tập trung vào một cuộc cải cách dài hạn hơn đối với thị trường năng lượng của EU, đặc biệt là việc giảm giá khí đốt so với giá điện.
Các nguồn tin khác của Reuters cho biết thêm, chỉ Hungary bỏ phiếu phản đối mức trần vì lo ngại rằng nó có thể phá vỡ thị trường năng lượng và làm tổn hại đến an ninh năng lượng của châu Âu. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto ngày 19/12 tuyên bố nước này sẽ không nhất thiết phải thông báo hay tham vấn Ủy ban châu Âu (EC) nếu muốn điều chỉnh hợp đồng dài hạn mua khí đốt của Nga trong trường hợp các nước EU thông qua mức giá trần khí đốt.
Đáng chú ý, Chính quyền Moscow đã đưa ra phản ứng dữ dội về quyết định thống nhất giá trần khí đốt được Bộ trưởng Năng lượng các nước trong khối EU đưa ra.
"Bất kỳ hành động nhằm áp giá trần khí đốt đều không thể chấp nhận được. Đây là hành vi vi phạm quá trình xác định giá thị trường và Nga sẽ cần thời gian để đánh giá cẩn thận tất cả lợi và hại khi tiến hành những biện pháp đáp trả phù hợp" - phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.
Đại sứ đặc nhiệm của Bộ Ngoại giao Nga Yury Sentyurin gọi sáng kiến của EU là hành động "coi thường luật pháp quốc tế", đi ngược lại các quy luật thị trường và sẽ làm thị trường xuống cấp.
"Có thể có nhiều ý tưởng điên rồ khác nhau về vấn đề này, chắc chắn không thể coi những ý tưởng đó là các biện pháp thị trường. Đây là những công cụ phi thị trường" - ông Sentyurin bình luận - "Theo tôi, tất cả những điều đó sẽ dẫn đến hậu quả tệ hại là làm thị trường xuống cấp. Đó là sự từ bỏ, coi thường luật pháp quốc tế".