Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga cảnh báo hậu quả nếu Ukraine không gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hợp đồng trung chuyển khí đốt Nga qua lãnh thổ Ukraine sẽ hết hạn vào cuối năm nay.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Tass
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Tass

Điện Kremlin vừa cảnh báo, người tiêu dùng châu Âu sẽ chịu thiệt nếu Ukraine từ chối gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga qua lãnh thổ nước này.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 28/8, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, nếu Ukraine quyết định không gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt, điều này sẽ "gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích của người tiêu dùng châu Âu, những người vẫn sẵn sàng mua nhiều khí đốt Nga được đảm bảo và giá cả phải chăng hơn, rẻ hơn khí đốt từ các nguồn khác, chủ yếu là từ Mỹ".

"Người tiêu dùng châu Âu sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho khí đốt, do đó khiến các ngành công nghiệp của họ kém cạnh tranh hơn" - hãng tin Tass dẫn lời ông Peskov khi bình luận về phát biểu của nhà lãnh đạo Ukraine rằng Kiev sẽ không gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt với Nga.

Tuy nhiên, theo quan chức Điện Kremlin, Moscow đã có phương án đối phó việc Kiev chấm dứt thỏa thuận trung chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu. “Có những tuyến đường thay thế. Chúng tôi có kế hoạch xây dựng một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ. Công việc này đang được tiến hành” - ông Peskov cho hay.

Trước đó, hôm 27/8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố, Kiev không có kế hoạch gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga.

Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko trước đó cũng xác nhận rằng nước này sẽ tiếp tục duy trì thỏa thuận trung chuyển khí đốt hiện tại với  Moscow, sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2024.

Tuy nhiên, Ukraine sẽ xem xét các yêu cầu của các công ty châu Âu về việc trung chuyển khí đốt từ các nguồn khác, theo Tổng thống Ukraine Zelensky.

Hồi tháng 12/2019, Ukraine và Nga đã ký thỏa thuận trung chuyển khí đốt kéo dài 5 năm. Theo đó, khí đốt Nga có thể đi qua lãnh thổ Ukraine tới các nước Liên minh châu Âu (EU) với lưu lượng 40 – 45 tỷ m3/năm.

Tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom, từng là nhà cung cấp khí đốt chính của EU, đã giảm mạnh lượng xuất khẩu sang khối này vào năm 2022, sau vụ phá hoại đường ống Nord Stream.

EU cũng đang nố lực tìm cách chấm dứt sự phụ thuộc kéo dài hàng thập kỷ vào khí đốt giá rẻ của Nga kể từ khi bùng phát chiến sự tại Ukraine hồi tháng 2/2022.

Moscow cảnh bảo giá khí đốt tại châu Âu sẽ tăng vọt nếu Kiev từ chối gia hạn thỏa  thuận trung chuyển khí đốt Nga. Ảnh: Getty
Moscow cảnh bảo giá khí đốt tại châu Âu sẽ tăng vọt nếu Kiev từ chối gia hạn thỏa  thuận trung chuyển khí đốt Nga. Ảnh: Getty

Mặc dù vậy, các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga hiện chưa nhắm vào nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống. Một số nước thành viên EU, bao gồm Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Hà Lan và Đan Mạch đã tự nguyện dừng nhập khẩu. Trong khi đó, nhiều nước thành viên khác như Áo, Slovakia, Cộng hòa Czech và Italia vẫn đang nhập khẩu khí đốt qua đường ống của Nga.

Trong một diễn biến liên quan, các chuyên gia năng lượng Nga nhận định, EU nhiều khả năng ​​sẽ tìm giải pháp để thuyết phục chính quyền Kiev gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt Nga qua lãnh thổ nước này để tránh xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng mới trong tương lai.

Theo chuyên gia Alexey Grivach - Phó giám đốc Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Nga, các quốc gia EU phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt của Nga là Áo, Slovakia, Italia và Cộng hòa Czech.

Nhà phân tích Sergey Kaufman của công ty tài chính Finam có trụ sở tại Moscow cảnh báo, giá khí đốt tại châu Âu có thể tăng hơn 500 USD/1.000 mét khối trong năm tới nếu khí đốt Nga không được vận chuyển sang EU qua lãnh thổ Ukraine.

Giá khí đốt châu Âu tuần trước đã tăng vọt sau cuộc đột kích của quân đội Ukraine tại tỉnh biên giới Kursk, có nguy cơ gây ra tình trạng gián đoạn nguồn cung năng lượng tại thị trấn Sudzha - điểm trung chuyển khí đốt xuyên biên giới quan trọng ở Nga.

Thị trấn Sudzha là nơi đặt trạm trung chuyển khí đốt cuối cùng còn hoạt động giữa Ukraine và Nga. Đây là nơi Nga bơm khí đốt từ Tây Siberia qua Ukraine để đi đến Slovakia và các nước EU khác.

Năm ngoái, tập đoàn Gazprom đã cung cấp khoảng 15 tỷ mét khối khí đốt cho EU qua tuyến đường này, chiếm 4,5% nhu cầu năng lượng của liên minh.