Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga - Iran “bắt tay” kiểm soát thị trường khí đốt toàn cầu

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Moscow và Tehran gần đây đã ký chuỗi thỏa thuận hợp tác mới về liên minh khí đốt nhằm mục đích kiểm soát giá mặt hàng năng lượng này trong những năm tới.

Theo tờ OilPrice, Nga và Iran vừa ký 19 thỏa thuận hợp tác mới trong lĩnh vực khí đốt, cơ sở hạ tầng và tài chính, trong đó, khí đốt được coi là mũi nhọn.

Nga và Iran lần lượt chiếm vị trí số một và số hai trong các quốc gia có trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới. Ảnh: Oilprice
Nga và Iran lần lượt chiếm vị trí số một và số hai trong các quốc gia có trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới. Ảnh: Oilprice

Các thỏa thuận mới được xây dựng dựa trên cam kết hợp tác nâng cao trong thỏa thuận hợp tác toàn diện mới có thời hạn 20 năm giữa hai nước được Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei phê duyệt vào ngày 18/1/2024.

Một lĩnh vực đặc biệt được chú trọng là tăng cường hợp tác và kiểm soát trong lĩnh vực khí đốt toàn cầu. Hai nước lần lượt chiếm vị trí số một và số hai trong các quốc gia có trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới, trong đó Nga có khoảng 37 nghìn tỷ mét khối và Iran với khoảng 32 nghìn tỷ mét khối.

Trước đó, vào tháng 7/2022, Nga đã đặt nền móng để tăng cường hợp tác khí đốt với Iran bằng một biên bản ghi nhớ (MoU) trị giá 40 tỷ USD giữa tập đoàn dầu khí quốc gia Gazprom và Công ty Dầu khí Quốc gia Iran (NIOC).

Điện Kremlin xem biên bản ghi nhớ trên là một bước quan trọng nhằm tạo điều kiện cho Nga và Iran thực hiện kế hoạch lâu dài trở thành những thành viên cốt lõi trong liên minh toàn cầu dành cho các nhà cung cấp khí đốt theo phong cách tương tự như Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Với nền tảng là Diễn đàn các nước xuất khẩu vùng Vịnh (GECF) hiện nay, liên minh "Khí đốt OPEC" này được kỳ vọng sẽ kiểm soát giá khí đốt toàn cầu trong những năm tới nhờ chiếm tỷ lệ lớn về trữ lượng khí đốt của thế giới.

Nga, Iran và Qatar chiếm tổng cộng khoảng 60% trữ lượng khí đốt của thế giới, đồng thời là 3 quốc gia đóng vai trò quan trọng trong GECF - với 11 thành viên kiểm soát hơn 71% trữ lượng khí đốt toàn cầu, 44% sản lượng của thế giới, 53% đường ống dẫn khí và 57% xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).

Theo biên bản ghi nhớ ký hồi năm 2022, liên minh khí đốt mới giữa Nga và Iran nhằm mục đích kiểm soát càng nhiều càng tốt hai yếu tố chính trong ma trận cung ứng toàn cầu - khí đốt được cung cấp trên đất liền thông qua đường ống dẫn khí và khí LNG được cung cấp bằng tàu biển.

Kế hoạch đầy tham vọng của Gazprom đang tiến triển thuận lợi, bao gồm việc hỗ trợ đầy đủ cho NIOC để phát triển các mỏ khí đốt Kish và North Pars trị giá 10 tỷ USD với mục tiêu hai mỏ này sản xuất hơn 10 triệu mét khối khí đốt mỗi ngày.

Gazprom cũng lên kế hoạch hỗ trợ toàn diện cho dự án mới trị giá 15 tỷ USD nhằm khai thác mỏ khí đốt siêu khổng lồ South Pars ở biên giới trên biển giữa Iran và Qatar.

Bên cạnh đó, tập đoàn Gazprom sẽ hỗ trợ đầy đủ trong việc hoàn thành các dự án khí LNG khác nhau và xây dựng đường ống xuất khẩu khí đốt.

Đặc biệt, Nga sẽ cân nhắc tất cả các cơ hội để khuyến khích các cường quốc khí đốt lớn khác ở Trung Đông tham gia triển khai dần liên minh "Khí đốt OPEC".

Nguồn tin từ Bộ Dầu khí Iran tiết lộ với tờ Oilprice vào tuần trước cho biết, Nga mong muốn tăng cường sự phụ thuộc của các quốc gia khác vào nguồn cung khí đốt của nước này một lần nữa, đồng thời Moscow cũng đang tìm cách giúp Tehran đẩy mạnh khả năng sản xuất LNG để bổ sung vào nguồn cung cấp LNG của Nga từ khu vực Trung Đông.

Nguồn tin trên lưu ý, Nga xem khí đốt là sản phẩm tối ưu trong quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Chính vì vậy, việc kiểm soát phần lớn khí đốt toàn cầu sẽ là “chìa khóa” cho nguồn cung năng lượng trong vòng 10 đến 20 năm tới và khí LNG đã trở thành nguồn khí đốt khẩn cấp của thế giới kể từ khi bùng phát cuộc xung đột Nga-Ukraine.