Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga sẵn sàng gia hạn hợp đồng vận chuyển khí đốt thông qua Ukraine

Nguyễn Phương (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak đã khẳng định nước này sẵn sàng gia hạn hợp đồng vận chuyển khí đốt thông qua Ukraina, sau khi hết hiệu lực vào năm tới.

Ngày 17/7, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak và Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin có cuộc họp tại Berlin, Đức để thảo luận về hoạt động vận chuyển khí đốt của Nga thông qua Ukraina, sau khi hợp đồng hiện nay hết hiệu lực vào năm tới.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak. 
Cuộc đối thoại do Liên minh châu Âu (EU) bảo trợ cũng có sự tham dự của Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier và Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic.
Bộ trưởng Alexander Novak cho biết, các cuộc thảo luận diễn ra trong bầu không khí mang tính xây dựng, tuy nhiên thừa nhận các vấn đề hiện tại rất phức tạp và cần có thêm các cuộc thảo luận nghiêm túc khác, đặc biệt là về "các vấn đề khối lượng và kỹ thuật".
Ông Novak cũng khẳng định, Moscow sẵn sàng gia hạn hợp đồng hiện tại, song nhấn mạnh trước khi một hợp đồng mới có thể được ký kết.
Theo Bộ trưởng Novak, Nga, Ukraine và EU sẽ thảo luận cụ thể về khối lượng và tỷ lệ khí đốt của Nga được vận chuyển thông qua Ukraine tại một cuộc họp vào tháng tháng 10 tới.
Phó Chủ tịch EC Maroc Sefcovic bày tỏ lạc quan sau các cuộc đối thoại với các đại diện đến từ Nga và Ukraine về việc giải quyết tranh cãi liên quan đến hoạt động vận chuyển khí đốt của Nga thông qua Ukraine, sau khi hợp đồng hiện nay sẽ hết hiệu lực vào năm tới.
Phó Chủ tịch Sefcovic đánh giá cuộc đối thoại 3 bên này "mang định hướng tương lai" và "tích cực".
Hoạt động vận chuyện khí đốt của Nga tới EU thông qua Ukraine đã mang lại lợi nhuận lớn cho Ukraine. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai quốc gia này đã xấu đi trong những năm qua cũng ảnh hưởng hoạt động vận chuyển này.
Nga là một trong những quốc gia có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới. 
Đặc biệt, căng thẳng giữa hai nước cũng gia tăng liên quan đến dự án khí đốt "Dòng chảy phương Bắc 2" sẽ được vận hành vào cuối năm 2019, vận chuyển khí đốt từ Nga tới Đức và không qua Ukraine.

Ukraine phản đối kế hoạch này do lo ngại mất doanh thu từ quá cảnh khí đốt của Nga. Trong khi đó, Mỹ cũng không ủng hộ dự án trên, đồng thời thúc đẩy tham vọng xuất khẩu khí hóa lỏng sang châu Âu.

Nhu cầu nhập khẩu khí đốt của châu Âu đã không ngừng tăng kể từ năm 2015, phần lớn do sự sụt giảm sản lượng tại Hà Lan.

Trong khi đó, Nga lại là một trong những quốc gia có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới. Trong năm ngoái, tập đoàn Gazprom đã tăng lượng khí đốt xuất khẩu sang châu Âu ở mức kỷ lục.

Theo Bộ trưởng Năng lượng Novak, Nga có thể tăng nguồn cung cấp khí đốt cho người tiêu dùng châu Âu thêm 10 - 15% trong 10 năm tới.