Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga tiết lộ thời điểm chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine sẽ kéo dài cho đến khi Kiev ngừng pháo kích vào vùng Donbass và không còn bất kỳ mối đe dọa nào về an ninh đối với Moscow.

Nga khẳng định sẽ kết thúc chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine sau khi đạt các  mục tiêu . Ảnh: Tass
Nga khẳng định sẽ kết thúc chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine sau khi đạt các  mục tiêu . Ảnh: Tass

Tuyên bố trên vừa được Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên Hợp quốc (LHQ) Dmitry Polyansky đưa ra tại phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ hôm 28/6.

"Chúng tôi tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm chấm dứt các đợt tấn công vào vùng Donbass của chính quyền Ukraine và đảm bảo chắc chắn rằng không còn bất kỳ mối đe dọa an ninh nào đối với nước Nga cũng như người dân Nga sống tại khu vực phía nam và đông nam của Ukraine. Hoạt động quân sự đặc biệt này sẽ được tiến hành cho đến khi chúng tôi đạt được những mục tiêu trên," ông Polyansky nhấn mạnh tại phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ hôm thứ Ba.

Theo quan chức ngoại giao Nga, việc Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky được phép phát biểu trực tuyến tại phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ mà không tiến hành tham vấn trước với các thành viên khác của hội đồng là vi phạm các quy định.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 28/6, phía Nga gợi ý cho Ukraine kết thúc xung đột nhanh chóng, thậm chí chỉ trong 1 ngày.

Theo RT, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên trong một cuộc họp vào hôm 28/6 rằng, nếu Kiev ra lệnh cho quân đội hạ vũ khí và đáp ứng các yêu cầu của Moscow, toàn bộ cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể kết thúc ngay vào cuối ngày.

“Phía Ukraine có thể dừng mọi thứ trước khi kết thúc ngày hôm nay. Theo đó, phải có lệnh cho các tiểu đoàn dân tộc chủ nghĩa và binh lính Ukraine hạ vũ khí. Các yêu cầu của Nga cũng phải được đáp ứng,” RT dẫn lời ông Peskov nói, bình luận về tuyên bố gần đây của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng xung đột phải kết thúc trước mùa đông.

Ông Peskov lưu ý thêm rằng "mọi thứ khác chỉ là suy nghĩ của ông Zelensky," đồng thời thông báo chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã diễn ra theo kế hoạch và đạt được các mục tiêu.

Trước đó, hôm 27/6, Reuters đưa tin về việc Tổng thống Zelensky nêu thời hạn chấm dứt xung đột Nga-Ukraine. Phát biểu trước các nhà lãnh đạo Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới G7, Tổng thống Zelensky khẳng định, cuộc xung đột hiện tại phải kết thúc vào cuối năm nay khi mùa đông khắc nghiệt khiến quân đội Ukraine khó chống lại các lực lượng Nga. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng kêu gọi G7 áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga.

Theo một quan chức Pháp được hãng tin AFP trích dẫn, trong bài phát biểu, Tổng thống Zelensky cũng tuyên bố rằng Ukraine không có ý định đàm phán với Nga cho đến khi nước này có được một vị thế thuận lợi hơn và giành lại các vùng lãnh thổ mà họ đã mất sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự vào cuối tháng 2.

Vòng đàm phán hòa bình gần nhất giữa Nga và Ukraine được tổ chức vào tháng 3 tại Thổ Nhĩ Kỳ, khi hai bên nỗ lực đàm phán một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột. Tuy nhiên, kể từ đó, các cuộc đàm phán đã hoàn toàn bị đình trệ, vì Kiev khẳng định sẽ chỉ quay trở lại bàn đàm phán khi có “vị thế đàm phán mạnh mẽ hơn”.

Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở quốc gia láng giềng hôm 24/2 sau khi Ukraine không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk - được ký kết lần đầu tiên vào năm 2014 - dẫn đến việc Nga công nhận độc lập của các nước cộng hòa ly khai ở Donbass  là Donetsk và Lugansk. Thỏa thuận Minsk do Đức và Pháp làm trung gian được thiết kế để trao cho các vùng ly khai quy chế đặc biệt ở Ukraine.

Điện Kremlin kể từ đó đã yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ tham gia vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ đứng đầu. Phía Ukraine khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ cáo buộc đang có kế hoạch chiếm lại hai nước cộng hòa bằng vũ lực.