KTĐT - Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ngày 9/2 đã chỉ thị triển khai thêm các loại vũ khí trên quần đảo Nam Kuril, khu vực tranh chấp giữa Nga và Nhật Bản mà Tokyo gọi là "Vùng lãnh thổ phương Bắc," nhằm bảo đảm an ninh cho quần đảo này.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga, phát biểu trong cuộc gặp lãnh đạo các bộ Quốc phòng và Phát triển khu vực Nga, Tổng thống Medvedev tuyên bố vũ khí được trang bị cho các đơn vị quân đội Nga đóng trên quần đảo Nam Kuril phải đủ và hiện đại để bảo đảm an ninh cho khu vực mà ông gọi là "phần lãnh thổ không thể tách rời" của Liên bang Nga.
Theo Tổng thống Medvedev, Nga sẽ thực thi mọi nỗ lực cần thiết để củng cố sự hiện diện của mình tại khu vực có tầm quan trọng chiến lược này. Tổng thống Nga cũng khẳng định Mátxcơva muốn phát triển quan hệ láng giềng thân thiện với các nước láng giềng và sẵn sàng hợp tác trong các dự án ở vùng quần đảo này.
Nhà lãnh đạo Nga cũng yêu cầu nghiên cứu việc thành lập các khu đặc quyền kinh tế ở Nam Kuril, tạo điều kiện thu hút đầu tư và phát triển du lịch để tạo ra cho dân chúng ở đây một cuộc sống xứng đáng và không thua kém so với các khu vực khác. Tổng thống Medvedev đã chỉ thị Chính phủ Nga thực hiện toàn bộ kế hoạch về phát triển kinh tế-xã hội quần đảo này.
Tuyên bố của ông Medvedev được đưa ra ngay trước thềm chuyến thăm của Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara tới Nga, dự kiến vào ngày 10/2.
Trong vài tháng trở lại đây, Tổng thống Medvedev và các quan chức cao cấp của Nga đã liên tiếp thực hiện nhiều chuyến thăm đến khu vực quần đảo Nam Kuril. Điều này đang gây ra phản ứng mạnh mẽ từ phía Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan ngày 7/2 vừa qua bình luận chuyến thăm của Tổng thống Nga Medvedev tới khu vực đảo tranh chấp giữa hai nước hồi tháng 11/2010 là “hành động xúc phạm không thể tha thứ.”
Trước đó, ông Kan cũng lên tiếng phản đối việc Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdiukov đi thị sát đảo Etorofu hôm 4/2, mở đầu chuyến đi tới 3 trong số 4 hòn đảo hiện do Nga kiểm soát, song Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền.
Vấn đề liên quan đến bốn hòn đảo tranh chấp này đang ngăn cản Mátxcơva và Tokyo ký hiệp định hòa bình sau Chiến tranh thế giới thứ hai./.