AP đưa tin, phát biểu tại cuộc họp báo hôm 10/6, Giám đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiuline nhận định rằng tình hình vẫn chưa ổn định và chưa thể nói tác động của các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây đã được thể hiện đầy đủ.
“Chúng tôi thấy rằng xuất khẩu không bị sụt giảm nhiều như chúng tôi dự tính ban đầu. Cho đến nay, tác động của các lệnh trừng phạt có lẽ ít nghiêm trọng hơn chúng ta lo ngại. Điều này cho thấy khả năng thích ứng của các công ty. Tuy nhiên, còn quá sớm để nói rằng hiệu lực đầy đủ của các biện pháp trừng phạt đã được thể hiện, tình hình là không chắc chắn," bà Nabiuline cho hay.
Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Nga đã công bố giảm lãi suất cơ bản từ 11% xuống 9,5%/năm, là mức trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine và phương Tây áp đặt các trừng phạt quy mô lớn chống Nga.
Trong tuyên bố, Ngân hàng trung ương Nga cho biết lạm phát đang chậm lại và quy mô suy giảm hoạt động kinh tế ở nước này trong tháng 4/2022 thấp hơn dự báo.
Trước đó, trong tháng 2, lãi suất đã tăng lên 20%/năm, sau đó giảm xuống 14% và 11% trong tháng 4 và tháng 5.
Vài ngày sau khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine kéo theo các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow, Ngân hàng trung ương Nga đã tăng hơn gấp đôi lãi suất chủ chốt, từ 9% lên 20%, để chặn đà lao dốc của đồng rúp.
Kể từ đó, đồng rúp đã ghi nhận đà hồi phục hồi ngoạn mục, tăng khoảng 30% giá trị so với đồng USD, là nguyên nhân dẫn đến 3 lần cắt giảm lãi suất của Ngân hàng trung ương Nga. Ngày 10/6, tỷ giá của đồng rúp so với đồng bạc xanh là 58,12 rúp đổi được 1 USD, tăng mạnh so với mức 78,8 rúp “ăn” 1 USD ghi nhận vào ngày 23/2, một ngày trước khi diễn ra chiến dịch quân sự tại Ukraine.