Nga và OPEC “gạt phăng” lời kêu gọi tăng sản lượng của Mỹ

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, dẫn đầu là Nga, còn gọi là nhóm OPEC+, đã phớt lờ lời kêu gọi tăng mạnh nguồn cung từ Mỹ và các quốc gia khác khi quyết định giữ nguyên kế hoạch sản lượng.

Quyết định “phật lòng” Mỹ và các nước tiêu thụ dầu hàng đầu
Tại cuộc họp chính sách sản lượng hôm 4/11, nhóm OPEC+ quyết định vẫn bám sát kế hoạch tăng sản lượng dầu thêm 400.000 thùng/ngày kể từ tháng 12, vốn được các bên đồng thuận từ cuộc họp tháng 7.
 OPEC+ nhất trí bám sát kế hoạch tăng sản lượng dầu thêm 400.000 thùng/ngày kể từ tháng 12. Ảnh: CNBC
Quyết định trên được OPEC+ đưa ra bất chấp lời kêu gọi từ Mỹ về việc cung cấp thêm nhiều nguồn cung cho thị trường nhằm hạ nhiệt giá “vàng đen” vốn liên tục lập mức tăng kỷ lục trong thời gian gần đây.
Các nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới gồm Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản cho rằng tốc độ tăng sản lượng của OPEC+ hiện nay là quá chậm so với sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu từ đại dịch Covid-19. Mỹ muốn OPEC+ tăng sản lượng thêm gấp đôi như vậy để giải tỏa áp lực lạm phát.
Lý giải về việc giữ nguyên thỏa thuận tăng sản lượng đã được nhất trí từ tháng 7/2021, Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất Suhail Al Mazrouei cho biết điều quan trọng đối với OPEC+ là phải thực hiện các biện pháp điều chỉnh sản lượng hợp lý với tất cả các thành viên trong liên minh, đồng thời lưu ý rằng nguồn cung dầu mỏ dự kiến sẽ dư thừa trong quý I/2022.
Bên cạnh đó, OPEC+ cho rằng thách thức kinh tế mà các nước tiêu thụ nhiều năng lượng đang gặp phải là do giá khí đốt tự nhiên và giá than tăng chóng mặt, chứ không liên quan gì đến chính sách sản lượng của nhóm.
“Thị trường dầu mỏ vẫn được điều tiết nhờ liên minh OPEC+. Trong khi đó, giá khí đốt và giá than tăng kỷ lục đã gây khó khăn cho nhiều nền kinh tế trên thế giới” - Bộ trưởng Bộ Năng lượng Ả Rập Saudi Abdulaziz bin Salman nói với phóng viên sau cuộc họp của OPEC+
Ông Abdulaziz nói rằng nếu mọi người muốn tìm nguyên nhân thực sự dẫn tới khủng hoảng năng lượng, họ nên nhìn vào nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu và châu Á, cũng như cơ sở hạ tầng liên quan. Ông đưa ra một biểu đồ so sánh tốc độ tăng hai con số của giá dầu kể từ mùa hè tới nay với tốc độ tăng ba con số của giá khí đốt và giá than.
Theo CNBC, kể từ đầu tháng 3 năm nay, giá khí đốt tự nhiên ở EU đã tăng tới 618% và ở Mỹ là 127% trong khi giá than của EU đã tăng vọt tới 334% và mỗi loại hàng hóa đều tăng lên mức cao vào đầu tháng 10. Riêng giá dầu Brent đã tăng tới 36% kể từ đầu tháng 3.
Về phần mình, Nhà Trắng tuyên bố sẽ xem xét một loạt công cụ sẵn có để đảm bảo mức giá năng lượng phù hợp. Theo dữ liệu từ AAA, giá xăng bình quân trên toàn quốc ở Mỹ vào ngày 4/11 là 3,415 USD/gallon, cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây.
Nhà Trắng cho rằng OPEC+ gây nguy cơ cản trở phục hồi kinh tế toàn cầu khi từ chối tăng sản lượng khai thác, đồng thời cảnh báo Mỹ sẵn sàng sử dụng “mọi công cụ cần thiết” để kìm hãm đà tăng của các mặt hàng nhiên liệu. “Washington kêu gọi OPEC+ tăng mạnh nguồn cung dầu mỏ. Chính sách  sản lượng của OPEC+ sẽ tác động đến giá dầu mỏ toàn cầu nói chung và ảnh hưởng đến giá xăng tại Mỹ” - Tass dẫn phát biểu của Phó thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre tại cuộc họp báo hôm 4/11.
Thận trọng -  chìa khóa điều chỉnh chính sách của OPEC+
Quan điểm thận trọng trong việc xem xét kế hoạch sản lượng dường như là ưu tiên hàng đầu đối với các nước OPEC+.
“Liên quan đến chính sách sản lượng, OPEC+ không chỉ dựa vào giá dầu, chúng tôi phải xem xét cung và cầu trên thị trường trong dài hạn” - Bộ trưởng Năng lượng Nigeria Timipre Sylva nhấn mạnh hôm 4/11.
 Kết thúc phiên ngày 4/11, giá dầu giao dịch ở mức 81,68 USD/thùng, giảm 34 xu Mỹ so với ngày trước đó.
Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Abdulaziz bin Salman khẳng định rằng OPEC+ không muốn tăng sản lượng nhanh hơn vì lo ngại sự phục hồi của kinh tế toàn cầu sẽ lại gặp trở ngại nếu Covid-19 tái bùng phát ở nhiều quốc gia. Theo Bộ trưởng Abdulaziz, lượng dầu tồn kho trên toàn cầu sẽ tăng mạnh vào cuối năm 2021, đầu 2022 do nhu cầu tiêu thụ tăng chậm lại.
Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 4/11, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nêu rõ: "Quyết định được đưa ra trước đây là tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng cho đến cuối năm 2022. Hôm nay, quyết định này được nhắc lại để duy trì số lượng đã được thống nhất trước đó".
Khi được hỏi tại sao OPEC+ không tăng mức sản xuất bất chấp những lời phàn nàn và yêu cầu từ các nước tiêu thụ dầu như Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản, ông Novak nói rằng OPEC và các nước đồng minh đang duy trì sự cân bằng của thị trường và vẫn cảnh giác với những thay đổi tiềm năng về nhu cầu.
Theo ông Novak, từ tháng 8 đến nay, liên minh này đã tăng thêm 2 triệu thùng dầu/ngày ra thị trường và tiếp tục cung cấp thêm sản lượng dầu như kế hoạch. Tuy nhiên, OPEC+ nhận thấy nhu cầu theo mùa có thể sụt giảm trong quý IV và quý I mỗi năm và một số dấu hiệu cho thấy nhu cầu các sản phẩm dầu mỏ của Liên minh châu Âu (EU) trong tháng 10 đang giảm.
Ông Novak nhận định các yếu tố trên chứng tỏ nhu cầu dầu toàn cầu vẫn đang chịu áp lực từ sự lây lan của biến thể Delta cũng như các biện pháp kiểm soát dịch tại nhiều nước.
Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Rossiya-24 cùng ngày, Phó Thủ tướng Novak cho biết giá dầu tăng lên mức 80 USD/thùng hiện tại là do  chịu tác động khách quan từ cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.
Gần đây, giá  "vàng đen" đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2014, khiến các nước nhập khẩu dầu thô phải chịu áp lực nặng nề. Kết thúc phiên ngày 4/11, giá dầu giao dịch ở mức 81,68 USD/thùng, giảm 34 xu Mỹ so với ngày trước đó./.