Nga "vạch trần" thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, hầu hết các sản phẩm nông nghiệp mà Ukraine xuất khẩu theo hành lang ngũ cốc ở Biển Đen đã không đến được tay những người cần chúng nhất.

Các tàu thương mại, bao gồm các tàu nằm trong thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen, chờ đi qua eo biển Bosphorus ngoài khơi Yenikapi, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 31/10/2022. Ảnh: Reuters
Các tàu thương mại, bao gồm các tàu nằm trong thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen, chờ đi qua eo biển Bosphorus ngoài khơi Yenikapi, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 31/10/2022. Ảnh: Reuters

Hôm 31/10, Tổng thống Nga Putin nói rằng thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc giữa Moscow và Kiev không đạt được các mục tiêu đã đề ra, và khẳng định Moscow đang tạm ngừng tham gia nhưng không hoàn toàn rút khỏi thỏa thuận này.

Ông lập luận, hầu hết các sản phẩm nông nghiệp Ukraine xuất khẩu theo thỏa thuận này đã không đến được các quốc gia nghèo hơn, mà thay vào đó là được cho sẽ đến Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ.

“Chúng tôi đã đồng ý (về thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc) vì lợi ích của các quốc gia nghèo hơn” - Tổng thống Putin nói - “Nhìn chung, có vẻ như 34% ngũ cốc (từ Ukraine) được chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ, 35% hoặc thậm chí nhiều hơn được các quốc gia EU lấy, và chỉ từ 3-4… hoặc có thể là 5% (đến các nước nghèo), theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp của chúng tôi”.

Tuyên bố của nhà lãnh đạo được đưa ra khi quân đội Nga đóng cửa hành lang ở Biển Đen được sử dụng để xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine theo thỏa thuận đạt được tại Istanbul hồi tháng 7/2022.

Thỏa thuận - do Liên Hợp quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian - ban đầu được ca ngợi là rất quan trọng trong việc xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và giúp các quốc gia nghèo nhất thế giới tránh nạn đói. Trung tâm Điều phối Chung (JCC), bao gồm đại diện của 4 bên ký kết - đã thiết lập các quy trình được thống nhất cho các sự cố và bất kỳ tai nạn nào.

Ước tính trong 3 tháng có hiệu lực, thỏa thuận đã cho phép hơn 9 triệu tấn ngũ cốc trên 397 tàu rời cảng Ukraine an toàn. Theo LHQ, thỏa thuận đã hạ nhiệt giá lương thực toàn cầu khoảng 15% so với mức đỉnh hồi tháng 3/2022. Tổng thư ký LHQ cũng đã thúc giục Nga và Ukraine gia hạn thỏa thuận khi nó hết hạn vào ngày 19/11 tới.

Moscow đã quyết định ngừng tham gia vào thỏa thuận này hôm 29/10, sau một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái quy mô lớn vào căn cứ hải quân của nước này ở thành phố cảng Sevastopol, thuộc bán đảo Crimea.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, các máy bay không người lái được sử dụng trong cuộc tấn công đã điều hướng qua khu vực an ninh của hành lang ngũ cốc để tiếp cận các mục tiêu của chúng. Một trong số chúng thậm chí “có thể đã được phóng từ một tàu dân sự được thuê để vận chuyển các chuyến hàng ngũ cốc của Ukraine” - tuyên bố của Bộ này nêu rõ.

Sau thông báo của Nga, giá lúa mì kỳ hạn đã tăng 5% vào sáng ngày 31/10. Joseph Glauber, thành viên nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế ở Washington, nhận định, khi thị trường toàn cầu bị thắt chặt, các nước nghèo hơn sẽ phải trả nhiều tiền hơn để nhập khẩu ngũ cốc.

Trước khi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc được tiến hành, Mỹ và châu Âu từng cáo buộc Nga đang bỏ đói các khu vực dễ bị tổn thương trên thế giới bằng cách từ chối xuất khẩu. Nhắc lại luận điệu này tại cuộc họp của LHQ hôm 31/10, Đại sứ Nga Vasily Nebenzya nêu quan điểm, trong khi Moscow đang bị đổ lỗi cho nạn đói trên thế giới thì “Washington và Brussels đang im lặng cho qua thực tế rằng các lệnh trừng phạt của họ cũng đang ngăn chặn thực phẩm của Nga”.

“Vì Biển Đen vẫn là một khu vực xung đột, Nga không thể cho phép các tàu thuyền qua lại mà không có sự kiểm tra của chúng tôi, và chúng tôi sẽ phải thực hiện các biện pháp của riêng mình để kiểm soát cả những gì được cho phép bởi JCC mà không có sự đồng ý của chúng tôi” - Đại sứ Nga tại LHQ nói.