Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngại đẻ vì chồng không làm việc nhà

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mấy năm gần đây, mức sinh ở Hàn Quốc rất thấp. Số con trung bình của một phụ nữ trong đời là 1,15 năm 2009 và 1,19 năm 2008.

KTĐT - Mấy năm gần đây, mức sinh ở Hàn Quốc rất thấp. Số con trung bình của một phụ nữ trong đời là 1,15 năm 2009 và 1,19 năm 2008.

Năm ngoái, anh Gang Joon xin nghỉ việc một năm để ở nhà chăm con. Anh là một trong số 819 đàn ông Hàn Quốc sử dụng chương trình hỗ trợ của nhà nước cho người lao động để tăng mức sinh ở nước này.

Theo luật pháp Hàn Quốc, tất cả người lao động có con dưới 3 tuổi đều được nghỉ một năm để chăm sóc trẻ, và nhận mức trợ cấp là 1 triệu won (tương đương 919 USD) hằng tháng.

Nhưng do cấu trúc gia đình gia trưởng và đặc trưng văn hóa "trọng nam", năm ngoái, chỉ có khoảng 819 đàn ông (chiếm khoảng 2% số lao động nam giới) sử dụng chương trình tài trợ này của nhà nước.

Anh Gang Joon cho biết, anh rất hạnh phúc khi phá vỡ hình mẫu người cha Hàn Quốc - thường dành quá nhiều thời gian cho công việc và nhậu nhẹt với bạn bè. "Tôi muốn trở thành một người cha thực sự - người luôn ở bên con. Tôi tự hào vì đã chăm sóc con gái hoàn hoàn trong một năm qua", anh Gang nói.

Tuy vậy, đôi khi anh cũng đứng trước những lo lắng, khi e ngại bị mọi người đàm tiếu hay sợ bị tụt lùi khi quay lại công việc sau đó.

Tác động đến tỉ lệ sinh

Theo Joongangdaily, các chuyên gia nhận định, có sự liên quan giữa việc giảm mức sinh ở Hàn Quốc và sự tham gia ngày càng đông đảo của phụ nữ trong lực lượng lao động. Phụ nữ ngày càng tập trung vào sự nghiệp, họ ngại sinh hơn vì ông chồng không thể hay không muốn chia sẻ việc nhà với vợ.

Mấy năm gần đây, mức sinh ở Hàn Quốc rất thấp. Số con trung bình của một phụ nữ trong đời là 1,15 năm 2009 và 1,19 năm 2008. Với nỗ lực cản lại xu hướng này, hơn 100 kế hoạch hỗ trợ, chính sách phúc lợi được chính phủ đưa ra, trong đó, chương trình cho phép các ông bố, bà mẹ nghỉ một năm chăm con có vẻ hiệu quả nhất, nhưng lại quá ít nam giới tham gia.

Khi được hỏi nguyên nhân việc này, trong số 304 nam giới tham gia một nghiên cứu thực hiện tháng trước tại Hàn Quốc, 41% nói rằng vì họ sợ bị thua thiệt trong công việc, 38% số khác thì sợ ở nhà chăm con sẽ khiến họ bị đồng nghiệp chê cười.

"Trước đây phụ nữ thường ở nhà và chăm con, nhưng hiện nay, nhiều người trong số họ lại năng nổ tham gia công việc, kể cả sau khi kết hôn và sinh nở. Nếu họ bị ép phải làm tốt cả việc cơ quan và chăm sóc con cái mà không có sự giúp sức nào từ phía chồng, tất nhiên họ sẽ chấp nhận sinh ít hơn", ông Lee Sam-sik, Viện nghiên cứu Y tế và Xã hội Hàn Quốc cho biết.

Theo ông, cho phép người đàn ông chia sẻ việc chăm con với vợ là giải pháp tốt nhất cho vấn đề này. Tuy nhiên, điều đó cũng rất khó thực hiện bởi tính gia trưởng ăn sâu trong các gia đình Hàn Quốc.

Vấn đề tiền bạc

Pháp luật hiện hành quy định, khi nghỉ việc chăm con, người lao động chỉ được hưởng 40% lương, tối đa là 1 triệu won một tháng. Trong khi đó, như năm nay, theo ước tính, chi phí sinh hoạt tối thiểu cho một gia đình bốn thành viên là 1.430.000 won. Như vậy, mức trợ cấp cao nhất cũng còn xa mới đủ hỗ trợ một gia đình.

Ahn Jae-young, bố của một bé trai 3 tuổi, cho biết, anh sẽ yên tâm chăm sóc con hơn nếu giảm bớt được gánh nặng kinh tế. "Nhiệm vụ quan trọng nhất của một ông bố Hàn là nuôi sống gia đình và mang lại cho con cái một môi trường tốt để phát triển", anh bộc bạch.

Kim - người không tiết lộ tên đầy đủ vì muốn bảo vệ danh tiếng của chồng, là một người mẹ có hai con nhỏ. Chị cho biết, khi chồng nghỉ việc ở nhà chăm con, số tiền anh được trợ cấp chỉ cao hơn một chút chi phí thuê người giữ trẻ.

Tuy nhiên, Kim cho biết, khi chồng ở nhà, cuộc sống tình cảm của gia đình chị đã khá hơn nhiều, hai vợ chồng dễ hiểu, cảm thông cho nhau hơn.

"Điều tốt nhất là, giờ đây, anh ấy đã biết tại sao khi ở nhà chăm con tôi lại mệt mỏi đến vậy. Khi tôi nghỉ thai sản, tôi thường gọi cho chồng lúc 6 giờ tối và yêu cầu anh ấy về đúng giờ. Bây giờ, ngày nào anh ấy cũng làm y như vậy với tôi", chị Kim kể.

Theo giáo sư xã hội học Shin Kyung-ah, Đại học Hallym, chính phủ cần có trách nhiệm trong việc điều chỉnh vấn đề này.

"Các quan chức lo ngại tỷ lệ sinh giảm sẽ dẫn đến sự suy giảm lực lượng lao động, nhưng vấn đề cấp bách nhất chúng ta phải đối mặt trong tương lai là mức tiêu dùng thấp hơn, dẫn đến giảm tăng trưởng kinh tế và mất một khoản lợi từ thuế. Khi không có thế hệ trẻ, thì các tòa nhà cao tầng và những hàng hóa sản xuất ra để làm gì?", ông nói.