Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngăn chặn khủng hoảng lan rộng, UBS và Credit Suisse đạt thỏa thuận lịch sử

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) cam kết cấp một khoản vay lên tới 100 tỷ franc Thụy Sĩ (tương đương 108 tỷ USD, để hậu thuẫn thương vụ này.

Ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS nhất trí mua lại đối thủ đang gặp khủng hoảng Credit Suisse. Ảnh: Yonhap
Ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS nhất trí mua lại đối thủ đang gặp khủng hoảng Credit Suisse. Ảnh: Yonhap

Theo CNBC, ngày 19/3, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS nhất trí mua lại đối thủ đang gặp khủng hoảng Credit Suisse với giá 3 tỷ franc Thuỵ Sĩ, tương đương 3,2 tỷ USD. Cơ quan chức năng của Thụy Sĩ đóng một vai trò quan trọng trong thương vụ này, trong bối cảnh các chính phủ nỗ lực ngăn chặn rủi ro lan rộng ra hệ thống ngân hàng toàn cầu.

Tuyên bố của SNB nêu rõ: “Với việc Credit Suisse được UBS mua lại, một giải pháp đã được tìm thấy nhằm đảm bảo ổn định tài chính và bảo vệ nền kinh tế Thụy Sĩ trong tình huống khác thường này”. Tuyên bố cho biết SNB sẽ làm việc cùng với Chính phủ Thụy Sĩ và Cơ quan giám sát thị trường tài chính (FINMA) để hoàn thiện việc sáp nhập hai ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ.

Theo thỏa thuận lịch sử này, cổ đông Credit Suisse sẽ đổi được 22,48 cổ phiếu ngân hàng này lấy 1 cổ phiếu UBS.

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 19/3, Chủ tịch UBS Colm Kelleher nhấn mạnh: “Vụ mua lại này là hấp dẫn đối với cổ đông UBS, song chúng tôi nói rõ thêm rằng với những gì xảy ra ở Credit Suisse, đây là một cuộc giải cứu khẩn cấp. Chúng tôi đã cấu trúc một giao dịch để bảo toàn giá trị còn lại, đồng thời hạn chế rủi ro đối với UBS”.

Theo số liệu của UBS, ngân hàng sau sáp nhập có tổng tài sản đầu tư là 5 nghìn tỷ USD.

Lãnh đạo UBS cũng cam kết thực hiện thành công thỏa thuận này. “Không còn lựa chọn nào khác cả. Đây là vấn đề sống còn đối với cấu trúc tài chính của Thụy Sĩ và đối với nền tài chính toàn cầu” - ông Kelleher phát biểu tại một cuộc họp báo.

SNB cam kết cấp một khoản vay lên tới 100 tỷ franc Thụy Sĩ (tương đương 108 tỷ USD), để hậu thuẫn thương vụ này. Bên cạnh đó, chính phủ Thụy Sĩ cũng cung cấp bảo lãnh cho thua lỗ lên tới 9 tỷ franc Thụy Sĩ từ một số tài sản nhất định “nhằm giảm bớt rủi ro cho UBS”.

“Đây là một giải pháp thương mại và không phải gói giải cứu”, Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter nói về sự hậu thuẫn của các cơ quan chức năng đối với thương vụ UBS-Credit Suisse.

Mỹ hoan nghênh thỏa thuận UBS-Credit Suisse

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell ra một tuyên bố chung hoan nghênh thỏa thuận UBS-Credit Suisse. “Vị thế vốn và thanh khoản của hệ thống ngân hàng Mỹ là mạnh và hệ thống tài chính Mỹ vững vàng. Chúng tôi giữ liên lạc chặt chẽ với các đối tác quốc tế để hỗ trợ các biện pháp của họ” - tuyên bố của Bộ trưởng Yellen và Chủ tịch Fed cho biết.

Credit Suisse rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng sau khi ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ vướng vào thua lỗ và bê bối. Trong hai tuần gần đây, niềm tin của nhà đầu tư vào Credit Suisse càng lung lay do vụ sụp đổ của 3 ngân hàng Mỹ gồm Silvergate Bank, Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank.

Chủ tịch UBS Colm Kelleher (phải) bắt tay Chủ tịch Credit Suisse Axel Lehmann (trái) sau cuộc họp báo  hôm 19/3 về thỏa thuận lịch UBS-Credit Suisse. Ảnh: Yonhap
Chủ tịch UBS Colm Kelleher (phải) bắt tay Chủ tịch Credit Suisse Axel Lehmann (trái) sau cuộc họp báo  hôm 19/3 về thỏa thuận lịch UBS-Credit Suisse. Ảnh: Yonhap

Chính phủ Mỹ  đã tích cực triển khai các biện pháp nhằm ngăn cú sốc này lây lan ra hệ thống tài chính trong nước và quốc tế, nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn.

Chủ tịch Credit Suisse Axel Lehmann nói tại cuộc họp báo hôm 19/3 rằng bất ổn định tài chính ở Mỹ đã khiến nhà băng Thụy Sĩ càng thêm khó khăn chồng chất.

Nếu Credit Suisse sụp đổ, mức độ ảnh hưởng đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ lớn hơn nhiều so với việc sụp đổ ngân hàng khu vực ở Mỹ. Lo ngại này gây áp lực đòi các nhà chức trách Thụy Sĩ phải thúc đẩy sự sáp nhập của hai ngân hàng UBS và Credit Suisse.

Bảng cân đối kế toán của Credit Suisse lớn gấp khoảng 2 lần của Lehman Brothers ở thời điểm ngân hàng đầu tư Mỹ này sụp đổ và châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Vào cuối năm 2022, giá trị bảng cân đối kế toán của Credit Suisse là khoảng 530 tỷ franc Thụy Sĩ.

Ngoài ra, Credit Suisse cũng có các mối quan hệ ràng buộc khắp thế giới cùng nhiều chi nhánh ở khắp các quốc gia, Chính vì vậy, việc chính phủ Thụy Sĩ trực tiếp can thiệp để kiểm soát tình hình càng quan trọng hơn bao giờ hết.

Việc đưa hai ngân hàng đối thủ “về chung một nhà” không phải là một việc dễ dàng, song áp lực ngăn chặn một cuộc khủng hoảng hệ thống cuối cùng đã chiến thắng. Theo một số nguồn tin, lúc đầu UBS chỉ chấp nhận mua Credit Suisse với giá khoảng 1 tỷ franc nhưng Credit Suisse cho rằng mức giá này quá thấp. Đến chiều ngày 19/3, UBS tăng giá thêm và mức giá cuối cùng tăng lên mức 3 tỷ franc.

Credit Suisse mất khoảng 38% lượng tiền gửi trong quý IV/2022, lỗ 7,3 tỷ franc trong cả năm ngoái và dự kiến sẽ siếp tục lỗ nặng trong năm nay. Sau khi ông Ulrich Koerner trở thành Giám đốc điều hành của Credit Suisse vào tháng 7/2022, ngân hàng này đã công bố một loạt biện pháp cải tổ chiến lược để xoay chuyển tình thế, nhưng không thành công.