Trong đó nội dung được các đại biểu (ĐB) xoáy sâu nhất là về tình trạng tin giả, tin xấu độc đang tràn lan trên môi trường mạng, tuy nhiên việc xử lý của cơ quan quản lý mà cụ thể ở đây là Bộ TT&TT còn chậm, tạo điều kiện cho những thông tin này phát tán, gây bất an trong xã hội.
Còn chậm khi xử lý tin giả, tin xấu độc
ĐB Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) liên tục chất vấn và tái chất vấn Tư lệnh ngành xung quanh vấn đề tin giả, tin xấu độc. ĐB còn lấy ví dụ vụ việc vi phạm pháp luật của bà Nguyễn Phương Hằng để nói về sự chậm trễ, lúng túng khi xử lý vụ việc của cơ quan quản lý Nhà nước. Thậm chí, ĐB Lê Hoàng Anh còn đặt câu hỏi: Có phải chăng là những người vi phạm có ít tiền hay không có tiền thì xử lý ngay và luôn được, còn người có tiền thì sẽ xử lý chậm và nghe ngóng trước, xử lý sau hay không ?
Trả lời ĐB, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định chắc chắn không có chuyện xử lý nhanh, chậm đối với người không có tiền hay có tiền. Nguyên nhân chậm trễ bắt nguồn từ việc thể chế đi sau sai phạm. Khi vụ việc của bà Nguyễn Phương Hằng xảy ra, chúng ta chưa có quy định pháp luật về quản lý hành vi livestream như thế nào. Do đó, khi xử lý vụ việc này buộc phải theo quy định cũ là xử phạt hành chính 2 lần và chuyển cho cơ quan công an tiếp tục xử lý.
Cũng sau vụ việc này, Bộ TT&TT đã đưa vào Nghị định 72/NĐ-CP nhiều quy định rõ ràng về hoạt động livestream như yêu cầu phải được định danh trên môi trường số, phải công bố thời gian và địa điểm thực hiện…. Nếu hiện tại tái diễn những trường hợp như vậy, cơ quan Nhà nước sẽ rất nhanh chóng và dễ dàng trong việc xử lý, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, trong 2 năm trở lại đây, cơ quan này đã rất chủ động cũng như tập trung mọi nguồn lực trong việc đấu tranh, ngăn chặn vấn nạn tin giả, tin xấu độc. Việc này không chỉ thực hiện với các tổ chức, cá nhân trong nước mà ngay cả những dịch vụ xuyên biên giới cũng được tiến hành rất kiên quyết. Cụ thể, tính trong 9 tháng đầu năm 2022, Bộ TT&TT và các Sở TT&TT đã ban hành 114 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm thông tin trên mạng với tổng số tiền phạt gần 2 tỷ đồng. Tính từ năm 2021 đến nay thì các con số này lần lượt là 591 quyết định xử phạt và 6,1 tỷ đồng.
Phía Việt Nam cũng quyết liệt yêu cầu các dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Google (Youtube), TikTok... ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm với tỷ lệ chặn gỡ trung bình hiện nay đạt trên 93% . Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, khó khăn lớn nhất hiện nay khi xử lý tin giả, tin xấu độc là phần lớn những nội dung này tồn tại trên các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Youtube hay các trang web đặt máy chủ ở nước ngoài.
Những dịch vụ quốc tế này thường có các quy định riêng của mình để quản lý nội dung và áp dụng chung trên toàn cầu, rất hạn chế trong việc tuân theo pháp luật của nước sở tại. Việc ngăn chặn thông tin giả, xấu độc là thực sự khó khăn, mình Bộ TT&TT cùng Bộ Công an là không đủ. Chỉ khi cả xã hội vào cuộc thì mới có thể giải quyết căn cơ được vấn đề này, Bộ trưởng kêu gọi.
Áp biện pháp ngăn chặn từ kinh tế cho đến ngoại giao
Thời gian qua, Bộ TT&TT đã tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương để quản lý, xử lý theo thẩm quyền về những hành vi sai phạm trên không gian mạng, nhất là hành vi tung tin giả, tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, DN, cá nhân cũng như sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục.
Cùng với đó cơ quan này cũng tập trung mọi nguồn lực để triển khai nhiệm vụ như đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, truyền thông để ngăn chặn thông tin sai phạm. Đặc biệt, Bộ TT&TT cũng sử dụng đến các biện pháp ngoại giao khi tăng cường phối hợp với bộ, ngành có liên quan như Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế), Bộ VHTT&DL, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Y tế... buộc các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ luật pháp Việt Nam.
Trung tâm Giám sát Không gian mạng Quốc gia là một trong những giải pháp kỹ thuật hữu hiệu nhằm chủ động rà quét, theo dõi, đo lường, đánh giá xu hướng thông tin trên mạng nhằm xác định, phát hiện các nguồn thông tin xấu độc, các vấn đề nóng dư luận quan tâm để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu độc. Các DN công nghệ cũng được khuyến khích phát triển công cụ rà quét, nắm bắt dư luận xã hội trên mạng để cung cấp cho các bộ, ngành địa phương sử dụng.
Cũng theo Bộ TT&TT, trong thời gian tới cơ quan này sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý Nhà nước về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Trong đó tập trung hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP.
Song hành với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho người sử dụng mạng khi cung cấp, sử dụng thông tin trên không gian mạng. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng để cùng chung tay xây dựng không gian mạng lành mạnh, an toàn.
Hiện tại mức phạt đưa thông tin giả đã được tăng lên 3 lần so với trước đây. Tuy nhiên, nếu so với các nước trong khu vực thì mức phạt này chỉ bằng 1/10. Bộ TT&TT sẽ tham mưu cho Chính phủ xem xét, cân nhắc đưa mức xử phạt lên mức răn đe, ít nhất ngang với trung bình các nước trong khu vực.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng