Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng lớn nhất của Mỹ bị đóng cửa

Chia sẻ Zalo

KTĐT - FDIC sẽ cùng ngân hàng Superior Bank, N.A. chia sẻ khoản mất mát về vốn vay và tài sản trị giá khoảng 1,84 tỷ USD của ngân hàng bị đóng cửa.

KTĐT - FDIC sẽ cùng ngân hàng Superior Bank, N.A. chia sẻ khoản mất mát về vốn vay và tài sản trị giá khoảng 1,84 tỷ USD của ngân hàng bị đóng cửa.

Với tài sản trị giá khoảng 3 tỷ USD và tổng tiền gửi lên tới 2,7 tỷ USD, Superior Bank là ngân hàng lớn nhất trong số 6 ngân hàng của Mỹ bị đóng cửa vào trung tuần tháng Tư và cũng là ngân hàng lớn nhất bị đóng cửa từ đầu năm tới nay.

Theo Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), Superior Bank, có trụ sở tại bang Alabama và có khoảng 70 chi nhánh hoạt động tại bang Alabama và bang Florida, sẽ được công ty Community Bancorp LLC có trụ sở tại thành phố Houston thuộc bang Texas mua lại và có tên mới là Superior Bank, N.A.

FDIC sẽ cùng ngân hàng Superior Bank, N.A. chia sẻ khoản mất mát về vốn vay và tài sản trị giá khoảng 1,84 tỷ USD của ngân hàng bị đóng cửa.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết vào tháng 12/2008, ngân hàng Superior Bank đã nhận được 69 triệu USD trong chương trình hỗ trợ tài chính của chính phủ. Tuy vậy, ngân hàng này vẫn bị "sập tiệm" và động thái này sẽ khiến cho quỹ bảo hiểm tiền gửi liên bang giảm gần 260 triệu USD.

Cùng với Superior Bank, năm ngân hàng khác đều bị đóng cửa vào ngày 15/4 là Nexity Bank trụ sở tại bang Alabama và tài sản trị giá 793,7 triệu USD; Bartow County Bank trụ sở tại bang Georgia với tài sản trị giá 330 triệu USD; New Horizons Bank tại bang Georgia với tài sản trị giá gần 111 triệu USD; Heritage Banking Group ở bang Mississippi với tài sản trị giá 224 triệu USD; và Rosemount National Bank tại bang Minnesota với tài sản trị giá 37,6 triệu USD.

FDIC ước tính việc 5 ngân hàng nói trên phá sản sẽ tiêu tốn khoảng 320 triệu USD bảo hiểm tiền gửi.

Trong năm 2010, tổng cộng 157 ngân hàng ở Mỹ phải đóng cửa, con số cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tín dụng và tiền gửi tiết kiệm hồi năm 1992 tới nay. Tổng giá trị tài sản của 157 ngân hàng nói trên đạt khoảng 92 tỷ USD.

Tuy nhiên, do phần lớn các ngân hàng phá sản trong năm 2010 là những ngân hàng nhỏ nên chi phí bảo hiểm tiền gửi cho các ngân hàng này cũng chỉ ở mức 21 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với khoản phí bảo hiểm 36 tỷ USD mà chính quyền liên bang phải trả cho sự sụp đổ của 140 ngân hàng trong năm 2009.

Mặc dù đưa 884 ngân hàng của Mỹ vào danh sách các định chế tài chính "có vấn đề" trong quý 4/2010, con số cao nhất trong 18 năm qua, FDIC cho rằng thời điểm khó khăn nhất của ngành ngân hàng đã qua.

FDIC ước tính từ năm 2010 tới hết năm 2014, tổng số tiền bảo hiểm tiền gửi mà họ phải trả cho các ngân hàng phá sản là 45 tỷ USD, giảm 7 tỷ so với dự đoán trước đó./.