Hàng loạt chương trình khuyến mãi hưởng ứng "Ngày không tiền mặt"
Từ ngày 3/6 đến hết ngày 16/6, Sacombank triển khai nhiều chương trình khuyến mãi mang tên "Tiền mặt chỉ là quá khứ" dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức với tổng giá trị ưu đãi hơn 3 tỷ đồng.
Sacombank cũng sẽ hoàn 100.000 đồng cho 5.000 khách hàng giao dịch chi tiêu qua thẻ đầu tiên trong ngày 16/6 với các giao dịch có giá trị tối thiểu từ 200.000 đồng. Ngân hàng này cũng miễn phí tất cả giao dịch có tính phí cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử trong 2 ngày 15 và 16/6.
VPBank cho biết, ngân hàng này cũng triển khai hàng loạt khuyến mãi để hưởng ứng "Ngày không tiền mặt" 16/6.
Theo đó, VPBank áp dụng chương trình hoàn phí thường niên thẻ tín dụng doanh nghiệp, kéo dài đến ngày 31/12; hoàn tiền lên đến 5% với các ngành hàng quảng cáo trực tuyến, kéo dài từ ngày 1/6 đến 1/10 với các chủ thẻ tín dụng DN VPBiz, WE Card có phát sinh chi tiêu thanh toán dịch vụ quảng cáo trực tuyến trong thời gian khuyến mãi.
VP Bank cũng tặng pin sạc dự phòng cho 100 khách hàng DN đầu tiên đăng ký mở thẻ tín dụng DN thành công trong "Ngày không tiền mặt". 100 khách hàng DN đầu tiên đăng ký thành công dịch vụ POS VPBank trong ngày này cũng được miễn phí thuê máy POS...
Đại diện ví điện tử Momo cho biết, chương trình khuyến mãi không chỉ dành cho những món hàng giá trị lớn, mà khi mua thức ăn đường phố như trà sữa, bánh ngọt chi tiêu bằng ví điện tử cũng sẽ được hoàn tiền, mua càng nhiều hoàn càng mạnh.
Để hưởng ứng "Ngày không tiền mặt", AirPay và Shopee miễn phí vận chuyển cho đơn hàng từ 99.000 đồng trong khi nếu thanh toán bằng tiền mặt, khách phải có đơn hàng từ 250.000 đồng mới được miễn phí vận chuyển.
Tại gian hàng Shopee, sàn thương mại điện tử vừa tích hợp cùng AirPay - ứng dụng ví điện tử trên di động ra mắt phương thức thanh toán mới với tên gọi Ví AirPay ngay trên ứng dụng mua sắm Shopee. Khách hàng "check in tại booth" sẽ nhận được quà ngay. Ngoài ra, người dùng lần đầu tiên thanh toán AirPay trên Shopee còn được tặng mã giảm giá 20% trong tháng 6. Riêng trong hai ngày 15 và 16/6, người dùng sẽ được tặng thêm voucher 50%, tối đa 100.000 khi lần đầu tiên thanh toán AirPay trên Shopee.
Nhiều hình thức khuyến mãi, ưu đãi tối đa, đem lại nhiều lợi ích nhất cho người tiêu dùng trong "Ngày không tiền mặt" cũng được các nhà bán lẻ Vincom Retail, Saigon Co.op, sàn thương mại Lazada... cam kết thực hiện. Các hệ thống bán lẻ khác như chuỗi FPT shop giảm thêm 5% cho khách dùng ví điện tử... mức giảm cộng hưởng, ủng hộ thêm cho chương trình.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cho biết với một loạt ưu đãi mà các nhà bán lẻ, ngân hàng, ví điện tử... tung ra, "Ngày không tiền mặt" 16/6 hứa hẹn sẽ còn bùng nổ, hấp dẫn hơn cả ngày Black Friday. Đây sẽ là cú hích khuyến mãi, kích cầu sức mua thị trường trong mùa mua sắm hè năm nay.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Ít nhất 5 lợi ích từ “xã hội không tiền mặt”
Hiện, hiểu biết của người tiêu dùng và xã hội nói chung về thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn “mông lung”. Để góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhiều DN và nhà cung cấp dịch vụ đã có nhiều cam kết trong giảm giá bán hàng hóa, dịch vụ.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho rằng, việc chuyển sang thanh toán điện tử mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng, đơn vị bán hàng hóa và cho cả Chính phủ.
Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức trong quá trình vận động người dân chuyển từ thanh toán tiền mặt sang thanh toán điện tử. Đó là thói quen sử dụng tiền mặt của người dân vẫn còn phổ biến; việc kết nối giữa đơn vị cung ứng dịch vụ công với ngân hàng; cơ sở dữ liệu và khả năng trao đổi, chia sẻ thông tin… Các giải pháp được đưa ra là tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý; phát triển phương tiện thanh toán mới và các mô hình kết nối; tăng cường phối hợp, thông tin tuyên truyền.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, xã hội không tiền mặt chỉ có một từ “không”, nhưng ít nhất sẽ thêm 5 “có”.
Đầu tiên, có sự tiện lợi và giảm chi phí cho người dân và cho DN. “Tôi đọc báo gần đây thấy cảnh phụ huynh xếp hàng đóng tiền học bán trú cho con, việc này vừa lãng phí thời gian và lãng phí công sức”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề.
Khi giảm lưu thông tiền mặt thì nhà nước giảm được nhiều thứ. Dễ thấy trước mắt là xe chuyên dụng chở tiền, hệ thống kho bãi, chi phí in tiền sẽ giảm xuống, gia tăng hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Tiếp đến, không tiền mặt sẽ có sự minh bạch trong hoạt động của DN, của nền kinh tế và của người dân. Đó là điều mong muốn hướng tới. Việc minh bạch cũng giúp phòng chống tham nhũng, kể cả tham nhũng lớn và tham nhũng nhỏ. Ngoài ra, còn góp phần phòng chống rửa tiền, chống nạn tội phạm kinh tế.
Cùng với đó, xã hội không tiền mặt sẽ có sự phát triển dịch vụ giá trị gia tăng tại các ngân hàng. Các ngân hàng sẽ có động lực để phát triển nhiều dịch vụ hơn. Tỷ trọng doanh thu và tỷ trọng lợi nhuận của các ngân hàng có dịch vụ giá trị gia tăng cao cũng tăng lên. Việc này kích thích nhiều ngành nghề liên quan khác phát triển.
Thứ năm, có sự phổ cập trong việc tiếp cận các dịch vụ công, ngay cả các vùng sâu vùng xa cũng có thể dùng mọi dịch vụ. Đó là lý do vì sao hội thảo có sự góp mặt của lãnh đạo Bộ TT&TT vì hiện nay mạng lưới di động phủ đến tận vùng sâu vùng xa nên dịch vụ tiền di động (mobile money) có thể tiếp cận tới đây, trong khi ngân hàng chưa tiếp cận được.
Phó Thủ tướng cho rằng, với Việt Nam, việc thiết kế cơ chế, chính sách phù hợp, xây dựng và triển khai các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đồng bộ hướng tới xã hội không tiền mặt là vấn đề vừa có tính cấp bách, vừa có ý nghĩa lâu dài trong bối cảnh mới.
Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ TT&TT và các bộ, ngành liên quan để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động thanh toán nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn phát sinh. Qua đó làm cơ sở cho việc xây dựng, triển khai các quy trình nghiệp vụ, đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020 và Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công.
Ngành ngân hàng đẩy mạnh cung ứng hạ tầng, dịch vụ thanh toán điện tử hiện đại cho phép tích hợp và xử lý thanh toán cho các dịch vụ trong nền kinh tế; cùng với Bộ TT&TT sớm báo cáo Chính phủ về phương án sử dụng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (dịch vụ mobile money).