Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành bất động sản thiếu nhân lực cấp quản lý

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, những chương trình đào tạo về kinh tế bất động sản (BĐS) chính quy tại hệ thống các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam rất ít, chưa đáp ứng được nhu cầu cung cấp nhân lực chất lượng cao cho thị trường ngày càng phát triển.

Thiếu nhân lực cấp quản lý
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Hiền - Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia, số lượng lao động của ngành Kinh doanh BĐS chiếm tỷ lệ thấp trong cơ cấu lao động của Việt Nam. Tuy nhiên, lực lượng lao động trong lĩnh vực này có trình độ qua đào tạo lại cao hơn so với mặt bằng chung, đa phần lao động trong lĩnh vực kinh doanh BĐS đều là những lao động trẻ, được đào tạo qua các hệ đại học, cao đẳng, đào tạo nghề...
Nhiều ý kiến cho rằng, nhân lực trong ngành kinh doanh BĐS tương đối dồi dào, nhưng nhân lực quản lý lại là vấn đề thực sự đáng lo lắng của các doanh nghiệp. Số liệu khảo sát mới đây của tổ chức Diễn đàn các nhà quản trị (The Leader), cho thấy, đối nhân lực quản lý trình độ cao chiếm khoảng 10% có mức lương trên 30 triệu đồng/người/tháng; nhân sự mức lương từ 15 đến dưới 30 triệu đồng/tháng chiếm trên 70%; còn lại nhân sự quản lý mức lương dưới 15 triệu đồng/tháng chiếm khoảng 20%.
Đối chiếu từ 4,7 triệu hồ sơ ứng tuyển của Vietnamworks, tỷ lệ nhân lực ứng tuyển vào vị trí có mức lương từ 1.000 - 2.000 đô la Mỹ/tháng chiếm số lượng nhiều nhất. Trong khi đó, đa phần doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực có mức lương đề xuất cao nhất là từ 700 đô la Mỹ đến dưới 1.000 đô la Mỹ. “Như vậy có thể thấy rằng, ngành kinh doanh BĐS đang thiếu rất nhiều nhân lực quản lý cấp trung” - đại diện The Leader cho biết.
 Ngành kinh doanh BĐS thiếu nhân lực cấp quản lý.
Theo Giám đốc sàn giao dịch BĐS DucKhue Land Vũ Đức Khuê, trong quá trình tuyển dụng nhân lực, nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, có đến trên 80% nhân lực quản lý trong ngành không được đào tạo đúng chuyên môn về kinh tế BĐS; trong khi đó lại có tới 40% nhân lực đòi hỏi mức thu nhập quá cao. “Bên cạnh đó một lượng lớn nhân lực chưa có kinh nghiệp trong ngành, những người có khả năng thích ứng công việc thì lại nhiều lựa chọn công việc, do hiện nay rất nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư liên quan đến lĩnh vực BĐS” - ông Khuê nói.
Đẩy mạnh đào tạo
Cũng theo kết quả khảo sát của The Leader, gần 94% doanh nghiệp được hỏi cho rằng, cần phải mở rộng đào tạo nhân lực quản lý ngành kinh doanh BĐS. Trong quá trình đào tạo cần đặc biệt chú ý đến vấn đề xây dựng định danh và tiêu chuẩn nghề.
Phản ánh sự tương đồng với nhận xét về triển vọng kinh doanh: Trong năm 2019, có tới doanh nghiệp dự định mở rộng quy mô nhân lực quản lý ngắn hạn và trung hạn, nhu cầu nhân lực cấp quản lý theo vị trí công việc đều tăng. Tăng cao nhất là quản ký kinh doanh bán hàng (73%); quản lý, vận hành, khai thác (68%); và quản lý đầu tư (64%).
Hiện tại, lương của nhân sự cấp quản lý tại các doanh nghiệp chủ yếu trong khoảng 15 - 30 triệu, nhưng thu nhập dự kiến các doanh nghiệp sẵn sàng trả có phần cao hơn. Cụ thể là tỷ lệ cấp quản lý thu nhập trên 30 triệu VNĐ/ người /tháng nới rộng ở nhiều vị trí, như: quản lý đầu tư, quản lý thiết kế kiến trúc, quản lý pháp chế, tài chính kế toán thuế, marketing và bán hàng…
Từ kinh nghiệm của các nước phát triển và phân tích hiện trạng của Việt Nam, để sớm đáp ứng được nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho thị trường bất động sản đang tăng cần có giải pháp phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Trong đó đặc biệt chú trọng đến giải pháp đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực đào tạo.
“Cần phải có một cơ quan chuyên về nghiên cứu, đào tạo kinh doanh BĐS giống như một viện nghiên cứu, quy tụ những chuyên gia hàng đầu và các doanh nghiệp lớn về lĩnh vực BĐS. Các trường đại học nên mở thêm chuyên ngành đào tạo về BĐS và phải có sự liên kết với nhau trong quá trình đào tạo, phối hợp cùng các viện nghiên cứu để đưa ra những chương trình đào tạo phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu sử dụng nhân lực của doanh nghiệp” - ông Vũ Đức Khuê phân tích.