Ngành BHXH: Rà soát, tăng kết nối dịch vụ, hiệu quả thực hiện chuyển đổi số

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 21/7, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 và đánh giá kết quả thí điểm ứng dụng xác thực sinh trắc học.

Kiến tạo, xây dựng ngành BHXH Việt Nam số

Theo BHXH Việt Nam, thời gian qua, ngành luôn nỗ lực triển khai, thực hiện hiệu quả các chính sách về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), trong đó việc thúc đẩy, nâng cao chất lượng chuyển đổi số là giải pháp nền tảng, xuyên suốt.

Tập trung thực hiện chuyển đổi số, ngành BHXH đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Nổi bật là hệ thống điện tử đã xác thực được gần 89 triệu thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu do BHXH Việt Nam quản lý với Cơ sở dư liệu quốc gia về dân cư.

Đây là kho dữ liệu quan trọng để các cơ quan chức năng triển khai các dịch vụ số nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN tham gia BHXH, BHYT.

Cụ thể, cả nước đã có hơn 12.500 cơ sở cở sở khám, chữa bệnh (KCB) BHYT áp dụng quy trình đón tiếp, phục vụ bệnh nhân sử dụng thẻ bảo BHYT điện tử (bằng căn cước công dân gắn chip hoặc ứng dụng VssID- BHXH số) đi KCB.

Phó Giám đốc BHXH Hà Nội Vũ Đức Thuật tham luận tại hội nghị.
Phó Giám đốc BHXH Hà Nội Vũ Đức Thuật tham luận tại hội nghị.

Việc cung cấp các dịch vụ công về BHXH, BHYT, BHTN trên môi trường số thu hút nhiều người sử dụng. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý 45 triệu hồ sơ giao dịch điện tử (chiếm 87% tổng số hồ sơ cả trực tiếp và trực tuyến được tiếp nhận và xử lý).

Ngành cũng tiếp nhận và xử lý gia hạn 18.218 thẻ BHYT thông qua dịch vụ công “Tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình”. Xác nhận và trả quá trình đóng BHTN cho gần 180.000 trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp qua dịch vụ công “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp”…

Dịch vụ “Liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi” triển khai thí điểm tại Hà Nội và tỉnh Hà Nam đã tiếp nhận và giải quyết 45.534 hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Cùng triển khai thí điểm tại Hà Nội và tỉnh Hà Nam, dịch vụ “Liên thông đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng” có 1.576 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng mai táng phí...

Dấu ấn đặc biệt về kết quả chuyển đổi số của ngành BHXH là ngành đã phối hợp với Bộ Công an cung cấp thông tin tham gia BHYT để tích hợp trên ứng dụng VNeID (ứng dụng định danh điện tử quốc gia) phục vụ nhu cầu theo dõi, sử dụng để KCB BHYT của người dân. Đồng thời, tiếp tục phối hợp để tích hợp thông tin tham gia BHXH trên ứng dụng VNeID.

Cùng với đó, BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế triển khai sổ Sức khỏe điện tử; phối hợp, hỗ trợ Bộ Y tế liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử qua hạ tầng của BHXH Việt Nam…

Cũng theo BHXH Việt Nam, quy trình KCB BHYT tích hợp xác thực sinh trắc triển khai thí điểm tại một số cơ sở y tế mang lại lợi ích cho cả người dân, cơ sở KCB và cơ quan BHXH, được các bên đánh giá cao. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng kiến nghị nhân rộng mô hình này trên phạm vi toàn quốc…

Những kết quả đạt được trong công tác chuyển đổi số mang đến những thay đổi có tính “bước ngoặt” của ngành BHXH. Kết quả này góp phần kiến tạo và xây dựng ngành BHXH Việt Nam số, theo đúng định hướng về Chính phủ số.

Không để xảy ra tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”

Tại điểm cầu Hà Nội, Phó Giám đốc BHXH Hà Nội Vũ Đức Thuật cho biết, Hà Nội ghi những dấu ấn đậm nét trên hành trình chuyển đổi số lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chuyển đổi số ở Hà Nội còn một số khó khăn.

Dễ nhận thấy là một bộ phận người dân còn thói quen muốn đến trực tiếp cơ quan nhà nước để làm thủ tục hành chính để được hỏi và được hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, giấy tờ.

Việc tiếp cận và sử dụng công nghệ còn khó khăn với một số người, nhất là người cao tuổi, người dân vùng xa trung tâm nên không phải ai cũng có thể thực hiện các giao dịch về BHXH, BHYT, BHTN trên môi trường số...

Tương tự như Hà Nội, công tác chuyển đổi số về BHXH, BHYT, BHTN của các tỉnh, TP khác cũng gặp những khó khăn.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến.
Quang cảnh hội nghị trực tuyến.

Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả chuyển đổi số, những tháng cuối năm nay, BHXH Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chức năng triển khai trên phạm vi rộng hai nhóm thủ tục hành chính liên thông.

Đó là “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí” trên phạm vi toàn quốc.

Cập nhật, xác thực thông tin của 100% số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đẩy mạnh chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng qua tài khoản cá nhân cho các đối tượng thụ hưởng; nghiên cứu ứng dụng căn cước công dân gắn chip trong chi trả các chế độ BHXH.

Đặc biệt, Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh: “Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành chức năng rất quyết liệt triển khai chuyển đổi số. Không để xảy ra tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, toàn ngành BHXH cần rà soát, tăng cường kết nối các dịch vụ để tăng hiệu quả thực hiện chuyển đổi số, thiết thực góp phần xây dựng Chính phủ số”.