Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành dầu khí tìm hướng gỡ khó

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh thị trường dầu thế giới có nhiều biến động khó lường, để tiếp tục phát huy vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, ngành dầu khí cần được sự đồng hành, vào cuộc gỡ khó của các bộ, ngành.

Không siết chặt một cách cứng nhắc
Những năm qua, song hành với các nghĩa vụ đối với Nhà nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng được giao quyền chủ động quyết định đối với nhiều công trình, dự án trọng điểm về dầu khí sau khi được Bộ Công Thương và Chính phủ phê duyệt; quyết định các dự án đầu tư, hợp đồng vay, cho vay, mua, bán tài sản có giá trị đến dưới 30% vốn điều lệ của PVN theo quy định của pháp luật.
Giàn công nghệ trung tâm số 2 mỏ Bạch Hổ của PVN. 
Thực tế, do khó khăn, ngân sách phải điều tiết, cân đối chung, khoản kinh phí này chưa bao giờ được cấp đủ và kịp thời cho PVN, thậm chí mấy năm gần đây chỉ còn chưa tới phân nửa. Tuy vậy, cũng chính nhờ có sự “đầu tư cho tương lai”, ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ và đồng bộ trong 10 năm qua, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách Nhà nước.
Bàn về vấn đề này, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính kiêm Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam Hồ Tế khẳng định, để ngành dầu khí phát triển cần xem xét toàn diện các khía cạnh. Mọi chính sách về nguồn lực tài chính, kiểm soát đối với PVN cần phải được phản biện, trao đổi và cân nhắc hết sức thận trọng, bởi nó mang tính kiến tạo cho sự phát triển cũng như để PVN có thể ứng phó kịp thời với những biến động đặc thù của hoạt động dầu khí.
“Các bộ, ngành cần xem xét toàn diện các khía cạnh pháp lý, kinh tế, ngoại giao trước khi trình Chính phủ quyết định thay đổi hay điều chỉnh các vấn đề về tổ chức, hoạt động cũng như các cơ chế tài chính, đầu tư đối với PVN” – vị này nhấn mạnh.
Là người từng nắm cương vị chủ chốt của ngành dầu khí, nguyên Tổng Giám đốc PVN Trần Ngọc Cảnh cho biết, PVN là một DN tầm cỡ quốc gia, quan hệ hợp tác quốc tế rộng, cần có các biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, quản trị DN, phù hợp với thông lệ quốc tế, với xu hướng hội nhập hiện nay để thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển, chứ không nên xử lý theo kiểu “không quản được thì cấm” hay siết chặt một cách cứng nhắc.
Đối với các dự án còn dang dở, biện pháp tích cực là khắc phục kịp thời, không né tránh, mạnh dạn chuẩn bị và báo cáo với Đảng, Chính phủ và Quốc hội về các giải pháp kinh tế - kỹ thuật, tài chính - thương mại, tổ chức - nhân sự... nhằm kịp thời xử lý giải tỏa các bế tắc và sớm đưa các công trình, dự án này vào sản xuất.
Phát triển lĩnh vực chế biến sâu
Để bảo đảm nguồn thu lâu dài cho ngân sách và sự phát triển bền vững cho PVN, ông Trần Ngọc Cảnh cho rằng, bên cạnh các biện pháp tăng cường công tác thẩm định, xem xét phê duyệt và thắt chặt kiểm tra giám sát đối với các hoạt động đầu tư, Nhà nước vẫn cần để lại một tỷ lệ thích đáng từ nguồn thu của PVN để tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực cốt lõi của ngành dầu khí như đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí...
TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia thẳng thắn, trong thời gian tới, các bộ, ngành liên quan phải “xắn tay” cùng PVN tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách mà ngành dầu khí đang gặp phải. Điều quan trọng, Chính phủ cần xem xét cho phép dùng phần thặng dư từ cổ phần hóa các DN thuộc PVN để bù đắp vào quỹ đầu tư phát triển, hỗ trợ vốn đầu tư cho các dự án đang triển khai dở dang có khả năng đem lại hiệu quả sau khi hoàn thành…
“Xác suất thành công của công tác tìm kiếm, thăm dò phụ thuộc vào mức độ phức tạp về địa chất và tiềm năng dầu khí của một bể trầm tích, một quốc gia. Chi phí tìm kiếm, thăm dò không thành công cũng cần phải được xem là chi phí rủi ro. Dĩ nhiên, mỗi quốc gia, mỗi DN dầu khí cần nghiên cứu, đánh giá cụ thể để đưa ra một mức độ rủi ro phù hợp” – TS Cấn Văn lực chỉ ra.
 Công nhân ngành dầu khí vận hành khai thác trên giàn khoan. 
Với PVN, hoạt động khai thác dầu khí cần điều chỉnh theo hướng giảm hoặc dừng khai thác tại các mỏ dầu khí có giá thành sản xuất cao hơn mức chi phí khai thác dự kiến; tăng cường tiết giảm chi phí hoạt động. Đồng thời rà soát kế hoạch phân bổ vốn đầu tư đối với các dự án dầu khí cho phù hợp hơn.
Tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi của ngành dầu khí. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận thực tế là vùng hoạt động, trữ lượng và hiệu quả trong bối cảnh giá dầu như hiện nay không được như ngày trước. Do đó, theo TS Cấn Văn Lực, về mặt chiến lược, song song với việc tiếp tục củng cố lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò cần phải phát triển các khâu khác để bảo đảm tính bền vững của ngành dầu khí, đặc biệt là lĩnh vực chế biến sâu như phát triển hóa dầu, phát triển hạ tầng sản xuất, kinh doanh khí.
Đây là những lĩnh vực trong tương lai sẽ giữ vai trò bù đắp vào sự suy giảm của lĩnh vực cốt lõi. Đồng thời, PVN nên chú trọng, tiên phong đầu tư phát triển năng lượng tái tạo. Cuối cùng, PVN cần áp dụng các nguyên tắc, thông lệ quản trị DN hiện đại (theo chuẩn mực OECD, phù hợp bối cảnh Việt Nam), trong đó, quan tâm đầu tư vào yếu tố con người và công nghệ.

Năm 2017, tổng doanh thu 498.023 tỷ đồng, nộp ngân sách 97.536 tỷ đồng. Đến năm 2018, tổng doanh thu 626.804 tỷ đồng, nộp ngân sách 121.269 tỷ đồng. Đặc biệt, 5 tháng qua, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của PVN hoàn thành vượt mức, có chỉ tiêu vượt hơn 13,5% kế hoạch đề ra. Cụ thể, tổng doanh thu của toàn Tập đoàn 5 tháng ước đạt 277,8 nghìn tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch 5 tháng và bằng 36,9% kế hoạch năm. Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn ước đạt 41.000 tỷ đồng, vượt 6,2% so với kế hoạch 5 tháng.


PVN dự kiến sẽ hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra trong 6 tháng đầu năm 2019. Tổng doanh thu toàn PVN 6 tháng ước đạt 336.000 tỷ đồng, vượt 8,3% so với kế hoạch 6 tháng và bằng 55% kế hoạch năm. Nộp ngân sách Nhà nước toàn PVN 6 tháng ước đạt 49,7 nghìn tỷ đồng, vượt 7,0% so với kế hoạch 6 tháng và bằng 56,8% kế hoạch năm.