Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành điện chưa tôn trọng thị trường

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước lý giải của Bộ Công Thương về đề xuất tính biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới với 5 bậc, thay vì 6 bậc như hiện hành, nhiều chuyên gia đã có những ý kiến đóng góp và cho rằng: Ngành nào cũng là ngành đặc thù, không phải chỉ riêng ngành điện. Điện cũng là một sản phẩm hàng hóa nên phải tôn trọng đúng quy luật hạch toán kinh tế thị trường. Ngành điện cũng phải bình đẳng và sòng phẳng với các ngành khác.

Còn nhiều băn khoăn

Đề xuất về giá điện mới của Bộ Công Thương được chỉnh lý dựa trên tờ trình trước đó của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thuê đơn vị tư vấn xây dựng và đưa ra lấy ý kiến hồi tháng 11 năm ngoái. Theo Bộ Công Thương, kịch bản xây dựng lần này dựa theo cơ cấu, sản lượng điện khách hàng sinh hoạt và giá bán lẻ điện năm 2018.
“Với việc lựa chọn phương án 5 bậc thang phù hợp hơn cả với các mục tiêu định giá: Hộ tiêu dùng bậc 101 - 200 kWh/tháng chịu tác động ít nhất trong 3 phương án, 5 bậc thang sản lượng cũng phù hợp với 5 bậc thang thu nhập của hộ gia đình...” – Đề xuất nêu rõ.
Đồng thời chỉ ra, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo bậc, hướng tới mục tiêu khuyến khích các hộ tiêu dùng sử dụng điện tiết kiệm - hiệu quả, đồng thời đơn giản trong áp dụng nhằm bảo vệ cho đa số khách hàng.
Công nhân EVN kiểm tra các thông số điện. Ảnh: Khắc Kiên
Trên thực tế, việc áp dụng biểu giá bán điện bậc thang đã đáp ứng được các mục tiêu đề ra trong thời gian vừa qua và phù hợp hợp trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, Bộ Công Thương kiến nghị vẫn tiếp tục áp dụng giá bán lẻ điện theo các bậc với giá điện tăng dần, cải tiến về khoảng cách giữa các bậc và giá điện cho từng bậc phù hợp với thực tiễn sử dụng điện của người dân.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến lo ngại, cũng như đa số người sử dụng điện không thể hiểu với những phân tích mang tính kỹ thuật về mức và lượng điện sử dụng, biểu giá mới khi được áp dụng có khả năng giá điện sẽ tăng trong thời gian tới...

Cần bình đẳng và sòng phẳng

Bàn về vấn đề này, TS Lê Ngọc Dũng, thành viên Hội đồng Tư vấn về kinh tế (Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam) thẳng thắn, biểu giá điện chia theo cách nào cũng chỉ mang tính chuyên ngành, tạo ra khoảng cách nên rất khó khăn trong việc kiểm soát. Nếu cứ chia giá điện nhiều bậc như hiện nay, nhiều hộ gia đình sẽ không dám sử dụng điện vì sợ tốn chi phí, điều này có nghĩa ngành điện không khuyến khích người tiêu dùng.
“Tôi không ủng hộ các phương án cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt. Theo quy luật kinh tế, cung - cầu, sản phẩm của ngành điện dứt khoát cũng phải giống như sản phẩm của những ngành khác. Ngành nào cũng là ngành đặc thù, không phải chỉ riêng ngành điện” – vị này phân tích. Ngành điện không thể cứ coi “điện năng là loại hàng hóa đặc thù” để dành riêng cho mình lợi ích.
Bởi, ngành điện cũng phải vay ngân hàng để đầu tư nhưng lại được “độc quyền” bán điện giá cao là bất hợp lý. Điện cũng là một sản phẩm hàng hóa nên phải tôn trọng đúng quy luật hạch toán kinh tế thị trường. “Trong quá trình đầu tư sản xuất kinh doanh, có lãi hay thua lỗ, thất thoát là ngành điện hoàn toàn phải chịu trách nhiệm, không được lấy điều đó tính vào giá điện” - TS Lê Ngọc Dũng chỉ rõ.
Do đó, chủ trương tiết kiệm điện của ngành điện cũng cần phải thay đổi, đó là phải đảm bảo phục vụ cho người dân được thỏa mãn dùng điện, nhưng không được lãng phí. Giá điện phải được tính toán chính xác, đáp ứng nhu cầu cơ bản, thiết yếu và thường xuyên tăng lên của Nhân dân.
Khi ngành điện khuyến khích người dân tiêu dùng nhiều sẽ góp phần giúp cho xã hội phát triển. “Đã có nhiều ngành làm được như vậy, đơn cử như ngành viễn thông, hay ngành hàng không, khi cạnh tranh phát triển đã tạo ra một thị trường năng động và phát triển, người dân được hưởng lợi nhiều từ sự cạnh tranh đó” - ông Dũng dẫn chứng. Vì vậy, ngành điện cũng phải bình đẳng và sòng phẳng với các ngành khác. Nếu DN của Nhà nước không làm được thì giao cho các nhà đầu tư tư nhân.

"Lộ trình tăng giá điện như thế nào cần phải có những trao đổi cũng như quyết sách có tính chuyên môn cao hơn, phù hợp với quy luật phát triển của thị trường. Đối với các thang bậc để tính giá điện, khi điện năng chi phối, ảnh hưởng toàn bộ đời sống xã hội cần phải căn cứ vào mức độ thu nhập (gồm các DN và các hộ gia đình). Những tập đoàn mạnh họ có thể sẵn sàng chịu giá điện cao hơn, có những hộ gia đình có thể trả tiền điện cao hơn, nhưng dù phục vụ đối tượng nào cũng phải đảm bảo một nguyên tắc công bằng tối thiểu." - Giám đốc Dự án Năng lượng bền vững, Nhóm công tác Điện và Năng lượng (VBF) Lương Bá Hùng