Nhiều kết quả tích cực
Báo cáo tại buổi kiểm tra, lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước. Toàn TP hiện có 2.913 trường học các cấp và 1 trường bồi dưỡng cán bộ giáo dục (tăng 39 trường so với cùng kỳ năm trước); gần 2,3 triệu học sinh; 70.150 lớp (tăng 48.000 học sinh so với cùng kỳ năm trước), 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.
Trên địa bàn TP còn có 105 cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, 9 văn phòng đại diện nước ngoài, 1.052 trung tâm ngoại ngữ, tin học các loại. Toàn ngành có hơn 155.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cấp học, ngành học với 100% giáo viên đạt chuẩn theo quy định.
Tính đến năm 2024, toàn ngành có 342 nhà giáo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú. Đây là nguồn lực quan trọng để TP thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo theo hướng thực chất, hiệu quả, tiệm cận với nền giáo dục tiên tiến, hội nhập, chung sức vì sự phát triển của thành phố sáng tạo, thành phố học tập toàn cầu.
Ngành giáo dục Hà Nội đề ra chỉ tiêu trường công lập đạt chuẩn quốc gia đến năm 2025 là 80 – 85% thì tính hết tháng 11/2024, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn TP là 80,4%. Kết quả này tăng cả về số lượng và tỷ lệ so với thời điểm trước khi triển khai Chương trình 06-CTr/TU giai đoạn 2021 – 2025. Cùng với đó, ngành cũng phấn đấu đến năm 2025, TP sẽ xây dựng 3 - 5 trường phổ thông có nhiều cấp học tiên tiến, hiện đại với quy mô 5ha trở lên.
Hà Nội đã hoàn thành công tác xây dựng định hướng phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; được cập nhật vào Quy hoạch của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; trong đó có 7 trường phổ thông nhiều cấp học tiên tiến, hiện đại, chất lượng cao. Hiện số trường chất lượng cao trên địa bàn TP là 23 trường, tăng 5 trường so với trước.
Trong những năm qua, học sinh Thủ đô luôn đạt thành tích cao, đứng đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; giáo dục đại trà được quan tâm, chú trọng. Hà Nội là một trong 4 tỉnh, thành đầu tiên của cả nước được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS đạt 99,81% (xếp 11/63 tỉnh thành, tăng 13 bậc so với năm 2021).
Nhiều cuộc vận động, thi đua ngành giáo dục triển khai hiệu quả và mang dấu ấn riêng, như phong trào: Nhà trường cùng chung tay phát triển - thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm, Tiếng trống học bài, Giải thưởng nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo…
Các hoạt động bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tư tưởng đạo đức, lối sống lành mạnh được triển khai rộng khắp; chất lượng mô hình văn hóa và thực hiện quy tắc ứng xử trong trường học cũng được nâng cao thông qua đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” và Bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc”. Toàn TP đã tổ chức lớp tìm hiểu về Đảng cho 1.610 học sinh, kết nạp 168 đảng viên mới là học sinh THPT.
Tiếp tục quan tâm để làm tốt hơn
Trao đổi, thảo luận tại buổi kiểm tra, đại diện các đơn vị, sở, ngành kiến nghị Sở GD&ĐT nêu rõ hơn về việc thực hiện xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật; chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia; xây dựng trường liên cấp tiên tiến, hiện đại; tình trạng thừa thiếu giáo viên; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho giáo dục…
Chia sẻ về những nội dung đoàn kiểm tra quan tâm, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT giải trình một số vấn đề liên quan đến công tác giáo dục học đường, như: an toàn thực phẩm, sức khoẻ học đường, chăm lo thể chất học sinh, giáo dục đạo đức lối sống, hoạt động trải nghiệm, phát huy văn hóa dân gian trong trường học, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh…
Kết luận tại buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà biểu dương, đánh giá cao những kết quả ngành GD&ĐT Hà Nội đã đạt được thời gian qua. Tiêu biểu là hệ thống ban hành văn bản của ngành cơ bản được triển khai sớm và đầy đủ; những nội dung mới, khó, chưa có tiền lệ, Sở cũng có nội dung tham mưu trình UBND TP. Công tác chuyển đổi số được thực hiện hiệu quả; đẩy mạnh những mô hình mới và sáng tạo để nâng cao chất lượng giáo dục; công tác thi và tuyển sinh triển khai nghiêm túc, an toàn; hoạt động hợp tác quốc tế nở rộ, hiệu quả; hoạt động văn thể mỹ diễn ra sôi nổi, chất lượng, có chiều sâu…
Để ngành GD&ĐT tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà lưu ý, Sở GD&ĐT cần quan tâm hơn việc thực hiện các chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra; sớm xây dựng mô hình và phương án quản lý các trường liên cấp tiên tiến hiện đại.
Về nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, dù ngành giáo dục đã có nỗ lực và đạt kết quả tốt nhưng vẫn chưa tương xứng với vị thế Thủ đô, do đó cần xác định thứ hạng, mục tiêu phấn đấu rõ ràng hơn để phấn đấu và tạo sự khác biệt với các tỉnh, thành cả nước.
Sở cũng cần kịp thời rà soát, nắm bắt về một số vấn đề phát sinh của ngành để có giải pháp ngăn ngừa nguy cơ xảy ra sai phạm. Cùng với đó, các nội dung về xây dựng trường học văn hóa, nâng cao chất lượng giáo viên… cũng cần được Sở sâu sát hơn.
Thời gian tới, Sở GD&ĐT tiếp tục xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và lộ trình tự chủ giáo dục, khẩn trương xây dựng kế hoạch trình UBND TP về việc tổ chức đoàn giáo viên đi học tập ở nước ngoài; xây dựng Đề án song bằng, đề án chung về nâng cao chất lượng giáo dục 2026 - 2030 để kịp thời trình UBND TP xem xét.