Ngành nông nghiệp phục hồi đà tăng trưởng

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/12, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2017. Tới dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Năm 2016, ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là thiên tai xảy ra liên tiếp, kéo dài ở hầu khắp các địa phương trên cả nước như hạn hán gay gắt, kéo dài ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và hạn hán, xâm nhập mặn nặng nhất trong nhiều năm qua ở Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản phải đối mặt với các rào cản thương mại ngày càng phức tạp và khắt khe, cạnh tranh gay gắt bởi nhiều quốc gia đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu nông sản. Chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai và sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung nên 6 tháng đầu năm, tăng trưởng ngành nông nghiệp giảm 0,18%.
 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại hội nghị.
Tuy nhiên, với những nỗ lực của ngành nên đến nay, tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt khoảng 1,2%. Giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) tăng 1,44%, trong đó trồng trọt giảm 0,9%, chăn nuôi tăng 5,4%, lâm nghiệp tăng 6,17%, thuỷ sản tăng 2,91%. Đây là kết quả quan trọng, khẳng định được sự chỉ đạo, điều hành đúng hướng và sự điều chỉnh sản xuất, kinh doanh kịp thời của cả ngành nên đã phục hồi được tăng trưởng.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong năm, toàn ngành đã tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, giải quyết linh hoạt, hiệu quả các rào cản kỹ thuật, giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu, tháo gỡ các khó khăn cho các DN. Do đó, hầu hết, các loại nông sản đều được tiêu thụ kịp thời, không xảy ra tình trạng ứ đọng, dư thừa. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt khoảng 32,1 tỷ USD, tăng 1,7 tỷ USD so với năm 2015.

Thặng dư thương mại đạt khoảng 7,5 tỷ USD. Nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng cao như cà phê tăng 25,5%, hạt điều tăng 18,3%, hạt tiêu tăng 12,7%, thủy sản tăng 6,3%... Đặc biệt là mặt hàng rau quả đã đạt kim ngạch 2,4 tỷ USD, tăng 31,2% so với năm 2015. Toàn ngành vẫn duy trì được 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên.

Năm 2017, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng ngành đạt khoảng 2,5 - 2,8%, giá trị sản xuất tăng 3,0 - 3,2%, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 32,0 – 32,5 tỷ USD, tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới từ 28 - 30%. Đặc biệt, năm 2017, Bộ NN&PTNT tiếp tục xác định là Năm cao điểm hành động về chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm thủy sản.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, mặc dù gặp phải nhiều khó khăn, thách thức nhưng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp của TP đạt 2,21%. Trong năm 2016, ngành nông nghiệp Thủ đô đã sản xuất 1 triệu tấn lương thực, 1,81 triệu con lợn, 39.000 tấn sữa bò, 110.000 tấn thủy sản…

Đáng chú ý, trên địa bàn TP đã hình thành nhiều chuỗi nông sản sạch khép kín, áp dụng công nghệ cao, nhiều diện tích cho giá trị sản xuất 1,5 - 1,8 tỷ/ha. Bên cạnh đó, TP cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề ATTP, trong đó đã đưa vào sử dụng 3 xe kiểm nghiệm ATTP nhanh và tới đây trong năm 2017 tiếp tục đưa vào 2 xe nữa, kiểm nghiệm 42 loại nông sản rau, củ, quả.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu kiến nghị Chính phủ và Bộ NN&PTNT nghiên cứu sửa đổi Luật Đê điều để có nhiều điều khoản phù hợp với tình hình thực tiễn. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách về tích tụ ruộng đất, phù hợp với Luật Đất đai để tạo điều kiện thu hút DN đầu tư quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao từ đó phục vụ cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tránh kìm hãm sự phát triển.

Ngoài ra, TP cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu sớm ban hành các quy định về quản lý, kiểm soát ATTP rau, thịt về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, có chế tài mạnh về xử lý các vi phạm. Phó Chủ tịch UBND TP cũng kiến nghị T.Ư quan tâm đến công tác đầu tư hoàn thiện hệ thống đê kè, trạm bơm sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, nạo vét sông Đáy, hệ thống tưới từ sông Hồng qua sông Tích sang sông Đáy để đảm bảo an toàn về phòng chống lụt bão, cải thiện ô nhiễm nguồn nước…