Cụ thể, trong tháng 7, doanh thu toàn ngành TT&TT ước đạt 271.984 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế doanh thu toàn ngành tính đến hết tháng 7/2023 ước đạt 1.902.800 tỷ đồng.
Theo ước tính, ngành TT&TT đã nộp 8.327 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước trong tháng trước, nâng tổng số nộp ngân sách của toàn ngành trong 7 tháng đầu năm ước đạt 55.446 tỷ đồng.
Trong đó, doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 4.900 tỷ đồng, tăng 2% so với tháng 6/2023 và tăng trên 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng bưu gửi ước đạt 198 triệu bưu gửi, tăng xấp xỉ 1% so với tháng trước đó và tăng trên 15% so với tháng 7/2022.
Bên cạnh đó, tổng doanh thu công nghiệp CNTT trong 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt trên 1,71 triệu tỷ đồng, tương đương 72,9 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo lý giải của Bộ TT&TT, nguyên nhân chủ yếu là do sự sụt giảm mạnh của doanh thu xuất khẩu phần cứng, điện tử vốn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu công nghiệp CNTT, với mức sụt giảm mạnh nhất trong các tháng 3, 4, 5, tương ứng là 22,8%; 22,4% và 16,3%.
Đáng chú ý, ở lĩnh vực kinh tế số, tỷ trọng kinh tế số trong GDP quý 2 năm nay ước tính đạt 15,26%.
Về xã hội số, tính đến giữa năm nay, Việt Nam có hơn 328 triệu lượt tải mới ứng dụng trên thiết bị di động, tăng 11,65% so với tháng trước và tăng 5,42% so với cùng kỳ năm 2022.
Phải kể đến bảy ứng dụng duy trì số lượng tài khoản đang hoạt động trên 10 triệu là Zalo, Zing Mp3, VNeID, Báo mới, Ví Momo, MB Bank và My Viettel. Trong đó, VNeID ghi nhận sự gia tăng số lượng tài khoản đang hoạt động cao nhất tháng 6/2023 với 9 triệu tài khoản; Zalo là ứng dụng có số lượng tài khoản đang hoạt động cao nhất với gần 75 triệu tài khoản.
Nhờ đó, Việt Nam vươn lên thứ 8 trong bảng xếp hạng các quốc gia có lượt tải ứng dụng di động cao nhất thế giới.