Đó là kết luận của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT về tiếp tục triển khai việc xây dựng và chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới vừa qua.
Theo đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu hoàn thiện dự thảo các chương trình môn học, tiếp tục tổ chức góp ý thực nghiệm, thẩm định chương trình mới bảo đảm tính khoa học, tính sư phạm, tinh giản và khả thi. Các công việc này phải hoàn thành trước ngày 30/4/2018.
Vụ Giáo dục trung học và Vụ Giáo dục tiểu học chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới tuần tự trong từng cấp học: Từ năm học 2019-2020 đối với lớp đầu cấp của tiểu học, từ năm học 2020-2021 đối với lớp đầu cấp của THCS và từ năm học 2021-2022 với lớp đầu cấp THPT. Như vậy, Nghị Quyết 51 của Quốc hội cho phép được lùi tối đa 2 năm thì Bộ GD&ĐT đã chọn lùi 1 năm khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.Ban Quản lý dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch biên soạn một bộ sách giáo khoa đủ các môn học ở các lớp học (do Bộ GD&ĐT chỉ đạo tổ chức) đáp ứng lộ trình triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, ban hành kế hoạch trước ngày 31/1/2018.Bên cạnh đó, các Sở GD&ĐT tiếp tục rà soát đội ngũ giáo viên, xác định nhu cầu đội ngũ giáo viên theo lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới và có biện pháp giải quyết số giáo viên thừa, thiếu từng cấp học và báo cáo Bộ GD&ĐT trước ngày 30/6/2018. Về cơ sở vật chất, Bộ trưởng yêu cầu rà soát, điều chỉnh các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường, lớp học phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới và điều kiện thực tế của các địa phương.Đề xuất nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và ngân sách địa phương để thực hiện đề án, kiến nghị Chính phủ, các Bộ: Tài chính, Kế hoạch Đầu tư cùng chính quyền địa phương ưu tiên bảo đảm bố trí ngân sách để thực hiện đúng lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa…