Quảng trường Đỏ ngày mai (9/5) từng được lên kế hoạch chứng kiến Tổng thống Vladimir Putin, đứng cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, để cùng chiêm ngưỡng một màn phô diễn sức mạnh quân sự Nga - đã trở thành khoảnh khắc tự hào hàng năm của Kremlin. Tuy nhiên đó là trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Các biểu ngữ Ngày Chiến thắng đã xuất hiện khắp thủ đô Moscow nhưng cuộc diễu hành quân sự truyền thống sẽ không diễn ra vào thứ 7. |
Sau bước đầu kiểm soát dịch có phần tốt hơn cả tại khu vực Tây Âu, Nga hiện đang đứng thứ 5 thế giới về số ca nhiễm Covid-19 được xác định. Tỷ lệ tử vong của Nga thấp so với các nước châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhưng giới quan sát cho rằng sự khác biệt là do cách kiểm đếm.
Cuộc diễu hành kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng bị hoãn lại đến cuối năm nay không phải là "nạn nhân" duy nhất của đại dịch tại Nga, khi mà nền kinh tế tê liệt, Thủ tướng phải nhập viện và tỷ lệ tín nhiệm của Tổng thống Putin sụt giảm.
Theo hãng thăm dò độc lập Levada, tín nhiệm trong nước của Tổng thống Putin đã giảm xuống mức thấp lịch sử 59% vào tháng 4, từ mức 63% trong tháng 3. Tháng trước, người Nga đã được lên kế hoạch bỏ phiếu về cải cách hiến pháp, mở đường cho Tổng thống Putin tiếp tục nắm quyền lãnh đạo đến năm 2036, nhưng hiện cũng đã bị hoãn lại đến cuối năm.
Là người đã lãnh đạo nước Nga vượt qua không ít cuộc khủng hoảng trong hơn 20 năm qua, được người dân Nga tin tưởng vì đã đưa đất nước thoát khỏi sự hỗn loạn của thập niên 1990 và khôi phục uy tín toàn cầu, liệu Tổng thống Putin có thể một lần nữa thành công?
Chuyên gia phân tích Andrei Kolesnikov thuộc Trung tâm Carnegie Moscow cho rằng, thách thức của Tổng thống Putin lúc này lại chính là lợi thế được ủng hộ tuyệt đối mà ông nhận được trong nhiều năm qua.
"Bây giờ ông ấy sẽ một mình hứng chịu ngần ấy sự quay lưng", ông Kolesnikov giải thích.
Vốn vẫn còn căng thẳng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây, nền kinh tế Nga đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi đại dịch. Thời điểm càng trở nên "đen đủi" với nước Nga khi khủng hoảng đi kèm với một giá dầu giảm mạnh - mặt hàng xuất khẩu chính cung cấp phần lớn ngân sách cho quốc gia.
Theo Giám đốc Viện phân tích chiến lược tại FBK Grant Thornton, Igor Nikolayev, người Nga chưa được chuẩn bị cho cú sốc kép này, với 60% dân số không có tiền tiết kiệm và thu nhập thực tế đã giảm 7,5% so với năm ngoái.
"Nga có thể cầm cự tối đa trong khoảng 18 tháng, nhờ vào nguồn dự trữ trong quỹ tài sản khoảng 150 tỷ USD", ông Nikolayev cho biết, từ đó lưu ý: "Cuộc sống khó khăn sẽ ảnh hưởng đến thái độ của người dân đối với chính phủ".
Gọi đây là một trải nghiệm chưa từng có của Tổng thống Putin, nhà phân tích chính trị Tatiana Stanovaya cảnh báo nếu Kremlin không thể giải quyết các vấn đề kinh tế, "kích động xã hội sẽ tăng lên, những cuộc biểu tình sẽ xuất hiện".