Gần đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, cơ sở sản xuất chậu cảnh của gia đình ông Trần Cao Quang (thôn Xuân Vinh, xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) trở nên tất bật để kịp cung ứng các đơn hàng cho khách. Sản phẩm thô hoặc đã hoàn thiện bày la liệt khắp nơi.
Chậu cảnh được làm từ các nguyên liệu chính là cát, xi măng. Ngoài ra còn có kim loại để chậu thêm chắc chắn.
Một người thợ đang thực hiện những công đoạn đầu tiên của tạo ra phần đôn (đế- dùng để đặt chậu cảnh).
Đôn, chậu sau khi hoàn thiện phần thô sẽ đến công đoạn trang trí, sơn màu.
Mỗi chậu cảnh thành phẩm có mức giá từ 50.000 đồng đến gần 2.000.000 đồng, tùy thuộc vào kích cỡ, kiểu dáng.
Một chậu cảnh màu sắc rực rỡ, bắt mắt đã hoàn thành.
Thời điểm này, cơ sở sản xuất chậu cảnh của chị Nguyễn Thị Hương (thôn Xuân Vinh) cũng đang bước vào "đua" nước rút với thời gian.
Theo chị Hương, trước và sau Tết Nguyên đán công việc khá nhiều. Cơ sở có 5 thợ, sản xuất chậu theo phương thức thủ công. Mỗi thợ phụ trách một công đoạn khác nhau, người chuyên đổ chậu, người sơn chậu, người phụ trách làm đôn.
“Riêng sơn thôi đã phải phủ 5 lớp. Tính tất cả các công đoạn thì phải mất cả tuần để có sản phẩm bán ra thị trường” - chị Hương cho hay.
Ông Trần Văn Kỹ – phó Chủ tịch Hội nông dân xã Hành Đức cho biết, làng cây cảnh Xuân Vinh (thôn Xuân Vinh, xã Hành Đức), phát triển trên chục năm nay. Nơi đây cũng được biết đến là thủ phủ trồng mai lớn nhất nhì tỉnh Quảng Ngãi.
Năm 2020, UBND tỉnh Quảng Ngãi công nhận nơi đây là làng nghề cây cảnh. Hiện thôn có 30 hộ trong làng chuyên trồng cây cảnh, phần lớn trong số họ đều sản xuất chậu cảnh, hoặc để phục cho việc trồng cây cảnh tại gia đình, hoặc để xuất bán ra thị trường.
So với giai đoạn trước, hình dáng và hoa văn trang trí chậu cảnh ngày nay đa dạng, phong phú hơn, đáp ứng nhu cầu của những người chuyên làm sinh vật cảnh.