Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghề mộc Phúc Trạch trước vận hội mới

Bài, ảnh: Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có lịch sử hàng trăm năm nay, nhưng đến cuối năm 2016, nghề mộc Phúc Trạch, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín mới được công nhận là làng nghề truyền thống.

Đây chính là động lực cũng như cơ hội để làng nghề mở rộng phát triển hơn nữa.
Cơ hội phát triển
Theo gia phả của làng, lịch sử của làng nghề Phúc Trạch gắn liền với quá trình xây dựng đình làng Phúc Trạch vào thời Lê năm 1572. Trải qua hàng trăm năm, hiện vẫn còn nhiều sản phẩm bằng gỗ do bàn tay những người thợ làng nghề thực hiện được lưu giữ như hạ cốn, bầy hiên, những bức cuốn được chạm trổ hình rồng, vân mây, hoa lá. Hiện tại ở 2 cột trốn còn có lỗ mộng, đây là dấu tích kiến trúc thời Lê còn in đậm nét. Bên cạnh đó còn có long ngai, bài vị, sập gỗ, chân đèn... được các thợ thủ công của làng chạm trổ tinh xảo. Những năm cuối thập kỷ 90 làng nghề có khoảng 100 thợ thủ công di cư vào miền Nam tìm cơ hội lập nghiệp và phát triển nghề. Ngoài ra, hầu hết những xưởng mộc lớn ở Vạn Điểm đều do người Phúc Trạch lập nên. Tiếp nối truyền thống của cha ông, những người con của làng nghề đã duy trì và phát triển nghề tới ngày nay.

Xưởng mộc của gia đình anh Nguyễn Văn Quân, thôn Phúc Trạch.        

Anh Doãn Văn Thiếp – Trưởng thôn Phúc Trạch cho biết, mộc Phúc Trạch nổi tiếng đẹp và tinh xảo. Sản phẩm của làng nghề đa dạng cả về mẫu mã và chủng loại, với những sản phẩm nổi tiếng như áng thờ, sập gụ, tủ chè... Mỗi năm làng nghề sản xuất hàng chục ngàn sản phẩm. Ngoài bán trong nước, hiện nay, sản phẩm còn được xuất khẩu đi một số nước như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản... đem lại nguồn thu nhập cao cho địa phương. Toàn thôn hiện có 70 xưởng sản xuất với quy mô lớn, mỗi xưởng thu hút hàng chục lao động. “Từ khi được công nhận là làng nghề truyền thống, lượng khách đến đặt hàng tăng lên đáng kể. Hiện nay, hàng làm ra không đủ giao cho khách” – anh Thiếp  cho biết.
Bên cạnh những sản phẩm truyền thống, Phúc Trạch còn sản xuất thêm những sản phẩm thương mại để phù hợp với nhu cầu của thị trường. Hiện nay máy móc đã được đưa vào sản xuất, giải phóng bớt sức lao động của người thợ, nhưng để trang trí những hoa văn tinh xảo thì không thể thiếu bàn tay điêu luyện của những người thợ tài hoa.
Đẩy mạnh sản xuất
Phó Chủ tịch UBND xã Thống Nhất Nguyễn Văn Nhị cho biết, nhờ có làng nghề, đời sống của người dân được nâng lên. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 34.000.000 đồng/người/năm. Thanh niên đã chí thú làm ăn, theo thống kê, có tới 95% thanh niên của làng tham gia làm nghề truyền thống. Vì vậy, tình hình an ninh trật tự ở địa phương luôn được ổn định. Ngoài lao động chính là các tay thợ lành nghề, làng nghề còn thu hút một lượng lao động là người già và trẻ em, đảm nhận công việc đánh giấy ráp. Với thợ có tay nghề cao có thể thu nhập đến 15.000.000 đồng/tháng, những lao động phổ thông thu nhập cũng được khoảng 200.000 đồng/ngày. Để làng nghề phát triển bền vững, làng nghề tập trung đào tạo nâng cao tay nghề, quan tâm tới cải thiện môi trường. Để giảm thiểu tiếng ồn của máy đục, máy xẻ, mỗi xưởng đều trang bị phòng cách âm chuyên dụng. Về phía chính quyền địa phương cũng thường xuyên mở các lớp đào tạo nâng cao tay nghề cho người dân. Tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.
Tuy nhiên, mặt bằng sản xuất chật hẹp và thiếu vốn sản xuất là những trở ngại lớn trong việc mở rộng sản xuất của làng nghề hiện nay. Một số nghệ nhân đi xa có nguyện vọng quay trở lại quê hương phát triển nghề truyền thống, nhưng do không có cơ sở sản xuất nên khó để thực hiện được. Vì vậy, việc làng nghề có điểm công nghiệp tập trung là việc cấp thiết hiện nay. Bên cạnh đó, người sản xuất rất cần được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất và xây dựng thương hiệu, giúp sản phẩm có tên tuổi, chỗ đứng vững trên thị trường. Làm được những việc trên, làng nghề mới có thể cất cánh phát triển hơn trong tương lai.