Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghệ thuật làm thật, ăn giả

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vở diễn "Carmen Hà Nội" do nữ đạo diễn Helena Rohr (Thụy Điển) dàn dựng vừa được công diễn lại tại Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Một lần nữa, diễn xuất xuất thần của Lê Thị Vành Khuyên đã khiến giới chuyên môn trầm trồ.

 Thế nhưng, sau sự hoành tráng của sân khấu opera ấy lại là những tâm sự đầy trăn trở của một người nghệ sĩ.

Khi được đạo diễn Helena Rohr nhận xét "Đúng là carmen Hà Nội", cảm giác của chị thế nào?

- Tôi hạnh phúc. Hạnh phúc vì sau bao nhiêu năm đóng vai nữ chính của nhiều vở opera, tôi đã tìm được vai diễn phù hợp với mình.

Có một thực tế là khán giả Việt Nam chưa chuộng nhạc cổ điển. Đã bao giờ những nghệ sĩ opera tự hỏi vì sao chưa kéo được khán giả đến nhà hát?

- Chúng tôi chỉ có những bản thảo tác phẩm, mà hầu hết các tác phẩm đều tiếng Ý, Đức, Pháp… Những bậc nghệ sĩ gạo cội của nghệ thuật này ở Việt Nam cũng hiếm, ví như các thầy cô theo học nhạc cổ điển, nhưng giờ họ cũng không xuất hiện trên sân khấu với những vai diễn opera. Nên chúng tôi chỉ trông chờ vào các đạo diễn nước ngoài. Nhiều lúc thấy mình như "ếch ngồi đáy giếng", cầm bản thảo rồi xem qua băng đĩa để tập theo. Thời gian trôi đi rất nhanh, nhiều người đang trong độ "chín" của nghề rơi vào tình trạng… không được cống hiến!
 
Nghệ thuật làm thật, ăn giả - Ảnh 1
Vành Khuyên (phải) trong vở “Carmen Hà Nội”.
 
 
 

Như Vành Khuyên tâm sự, tài sản duy nhất chị có được là chiếc vali quần áo, mỗi tháng là sự chật vật lo tiền thuê nhà và các khoản phí sinh hoạt. Ngoài hát opera, chị có làm gì khác để sống?

- Hiện nay tôi vẫn hát tốt các bài hát dân ca, nhưng chỉ là khi nhận các sô diễn bên ngoài để trang trải cho cuộc sống thôi. Vành Khuyên không xuất thân từ gia đình giàu có, vậy mà vẫn chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ bỏ nghệ thuật này. Một mình bươn chải để nuôi nghệ thuật, tôi phải thuê nhà ở xa, vì với mức lương hiện nay, không thể đủ tiền thuê nhà trong phố.

Phải chăng chị có quá ít đất diễn?

- Đúng. Mỗi năm Nhà hát chỉ dựng 1 đến 2 vở diễn. Khi dựng vở thì không được truyền thông quảng bá. Nhiều lúc nghĩ cũng tủi, như "áo gấm đi đêm". Dựng không ai hay, diễn không ai biết. Vì thế nghệ sĩ chúng tôi càng không được nhiều người biết đến, dù khi nhận vai mình phải ngày đêm nỗ lực ngày đêm tập luyện hàng nửa năm trời.

Vào nghề đã hơn 10 năm, vậy theo Vành Khuyên các khóa đào tạo nghệ thuật này có nhiều người học?

- Có lẽ, các bạn trẻ biết đây không phải là nghề dễ kiếm sống, nên từ ngày tôi về công tác tại Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam gần 10 năm nhưng chưa thấy có đợt tuyển diễn viên opera nào. Nếu có tuyển ca sĩ thì hầu hết là họ về dàn hợp xướng. Ca sĩ học thanh nhạc bây giờ nhiều người cũng chú tâm học mấy "chiêu" để mau chóng đi biểu diễn kiếm tiền.

 Như chúng tôi, tập luyện cả tháng, cả năm để có 1 - 2 vở diễn, lương mỗi tháng khoảng 2 triệu đồng cộng mỗi ngày tập được 20.000 đồng nên rất khó khăn. Ví dụ như vào vai Carmen, tôi mất 3 tháng ăn không ngon, ngủ không yên để tập lời cho vở, vì phải học thuộc hàng trăm trang… Tủi lắm khi thấy những ca sĩ diễn ở những sân khấu ca nhạc mà vé đêm diễn bán 2 đến 3 triệu đồng. Mình theo nghệ thuật làm thật - ăn giả!
Cảm ơn Vành Khuyên!