Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghề xôi Phú Thượng trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 17/2, UBND quận Tây Hồ long trọng tổ chức Lễ hội truyền thống Xôi Phú Thượng lần thứ VII; Lễ công bố Quyết định ghi danh Nghề xôi Phú Thượng vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương cho biết, món xôi Phú Thượng như một nét văn hoá, không thể không nhắc tới Lễ hội truyền thống của làng Phú Gia, phường Phú Thượng, diễn ra thường niên vào 3 ngày 8, 9, 10 tháng Giêng âm lịch. Trong ngày hội, Nhân dân địa phương làm lễ cơm mới, dâng cúng lên Thành hoàng làng những sản phẩm xôi do mình làm ra bày tỏ lòng biết ơn và cầu mong Ngài phù hộ cho dân làng một mùa màng bội thu. Đồng thời, các gia đình nấu chè bà cốt để dâng cúng lên bàn thờ tổ tiên tại gia đình để bày lòng biết ơn tổ tiên đã khuất và mong muốn phù hộ cho con cháu làm ăn suôn sẻ.

Một tiết mực văn nghệ tại Lễ hội Xôi Phú Thượng.
Một tiết mực văn nghệ tại Lễ hội Xôi Phú Thượng.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương, trong những năm qua, với mong muốn gìn giữ nghề truyền thống địa phương và nâng cao đời sống người dân, quận Tây Hồ đã luôn quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ làng nghề phát triển.

Nhờ đó, ngày 30/12/2016, Phú Thượng được UBND TP Hà Nội công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng. Năm 2018, xôi Phú Thượng là 1 trong 12 món ẩm thực truyền thống của Hà Nội phục vụ tại Trung tâm Báo chí Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Năm 2019, làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Xôi Phú Thượng. Ngoài ra, xôi Phú Thượng đã có những sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP của TP Hà Nội.

Lãnh đaọ phường Phú Thượng, quận Tây Hồ đón nhận Quyết định ghi danh Nghề xôi Phú Thượng vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia.
Lãnh đaọ phường Phú Thượng, quận Tây Hồ đón nhận Quyết định ghi danh Nghề xôi Phú Thượng vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia.

Để định vị giá trị, bảo vệ và phát huy giá trị làng nghề truyền thống với tư cách là một di sản văn hoá, trong thời gian qua, với sự đồng hành, hỗ trợ của Sở VHTT, sự hướng dẫn, giúp đỡ của Cục Di sản văn hoá phi vật thể, Bộ VHTT&DL, các nhà khoa học đầu ngành văn hoá, quận Tây Hồ đã hoàn thành việc lập hồ sơ khoa học đề nghị ghi danh “Nghề Xôi Phú Thượng” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

“Lễ công bố Quyết định ghi danh Nghề xôi Phú Thượng vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia hôm nay là dịp để chúng ta tôn vinh di sản; ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền phường Phú Thượng, các phòng, ngành liên quan của quận và cộng đồng Nhân dân trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị nghề truyền thống xôi Phú Thượng; đồng thời thúc đẩy trách nhiệm bảo tồn, phát huy di sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống người dân” – Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương nhấn mạnh.

Cũng trong ngày 17/2, UBND quận Tây Hồ, Viện nghiên cứu rau quả và Trung tâm Khuyến nông TP Hà Nội đã tổ chức lễ ký kết chương trình hợp tác phối hợp thực dự án “Xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị tại Tây Hồ - Hà Nội”.

Lãnh đạo quận Tây Hồ và các đơn vị có liên quan ký kết chương trình hợp tác phối hợp thực hiện dự án “Xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị tại Tây Hồ - Hà Nội”.  
Lãnh đạo quận Tây Hồ và các đơn vị có liên quan ký kết chương trình hợp tác phối hợp thực hiện dự án “Xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị tại Tây Hồ - Hà Nội”.  

Theo đó, các bên liên quan sẽ phối hợp triển khai, áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến (giống, kỹ thuật canh tác và thu hoạch, bảo quản) xây dựng mô hình sản xuất sen chất lượng cao gồm: hoa để ướp chè, hoa để trang trí, và hạt để làm thực phẩm gắn với phát triển du lịch. Xây dựng mô hình Tổ hợp tác/Hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp tổ chức sản xuất sen gắn với dịch vụ du lịch và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị;  Xây dựng mô hình tổ chức quản lý sản xuất liên kết theo chuỗi (sản xuất - thu hoạch - sơ chế) với doanh nghiệp… Đồng thời, tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật canh tác, thu hoạch và chế biến các sản phẩm từ sen cho người dân trên địa bàn.

Lãnh đạo quận Tây Hồ cho biết, theo chương trình kế kết, địa điểm tổ chức thực hiện thí điểm trong năm 2024 sẽ bao gồm các hồ Đầu Đồng, Thuỷ Sứ (phường Quảng An); hồ Ao Sen 1, Ao Sen 2 (phường Nhật Tân). Thời gian thực hiện từ 17/2 đến ngày 15/11/2024.