Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghi ngại lẫn nhau

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2022 này có thể thấy tình hình chính trị an ninh khu vực Đông Bắc Á diễn biến phức tạp và trở nên căng thẳng rõ rệt hơn hẳn mấy năm trước, đặc biệt trong quan hệ giữa Triều Tiên với liên minh 3 nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ.

Bản đồ Đông Bắc Á.
Bản đồ Đông Bắc Á.

Căng thẳng và đối địch giữa hai phía leo thang với mức độ nhanh chóng và mạnh mẽ, thể hiện không chỉ ở những cuộc khẩu chiến mà còn ở nhiều hành động cụ thể của từng bên. Triều Tiên tiến hành phóng nhiều loại tên lửa khác nhau, Mỹ cùng với Hàn Quốc và Nhật Bản lại tiến hành nhiều cuộc tập trận chung với quy mô lớn.

Mới đây nhất, Triều Tiên và Hàn Quốc sau nhiều năm lại nổ súng trên biển nhằm cảnh cáo lẫn nhau. Trong bối cảnh tình hình chính trị an ninh chung như thế ở khu vực, Mỹ không chỉ củng cố và thúc đẩy mối quan hệ đồng minh quân sự chiến lược truyền thống với Nhật Bản và Hàn Quốc mà còn tuyên bố sẵn sàng sử dụng mọi loại vũ khí hiện có, bao gồm vũ khí hạt nhân, vũ khí thông thường và tên lửa, để đảm bảo an ninh cho Hàn Quốc và Nhật Bản.

Chiều hướng leo thang căng thẳng và đối địch này đẩy khu vực ngày càng lún sâu vào tình trạng rất nguy hiểm về an ninh và ổn định. Nó cho thấy hai phe nghi ngại nhau cao độ, không tin rằng sẽ có thể thỏa hiệp được với nhau và hiện vẫn bế tắc ý tưởng giải pháp cho mối bất hòa và đối kháng dai dẳng nhiều năm nay này.

Nó nguy hại đối với triển vọng hòa bình, an ninh và ổn định cho khu vực ở chỗ càng leo thang căng thẳng và đối địch nhau, thì các bên liên quan càng khó có thể thỏa hiệp hòa bình với nhau mà vẫn giữ được thể diện và không bị coi là thất thế hay yếu thế.

Hơn nữa, nếu chiều hướng diễn biến tình hình chính trị an ninh này cứ tiếp tục thì khả năng Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần thứ 8 trong thời gian tới trở nên rất thực tế. Khi ấy, mức độ căng thẳng và đối địch leo thang còn mạnh hơn rất nhiều.