Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghĩa Hương chưa phát huy hết tiềm năng nghề đan cót

Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghề đan cót nan đã có mặt ở Nghĩa Hương gần 100 năm nay với những sản phẩm chủ yếu như bồ, rổ, rá, khay… đã góp phần nâng cao đời sống người dân, giảm tệ nạn xã hội ở địa phương.

Tuy nhiên, do làm nghề hoàn toàn thủ công nên thu nhập từ nghề không cao. Đối với lao động chính, nếu làm cật lực cũng chỉ được khoảng 2 – 3 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, thu nhập của công nhân các khu công nghiệp cao gấp 2 - 3 lần đã hút hết lao động chính của làng nghề. Thực trạng đó dẫn đến làng nghề thiếu lao động cả về số lượng lẫn chất lượng.
 Bà Trần Thị Loan thôn Thế Trụ, Nghĩa Hương đang đan cót nan tại gia đình.
Theo thống kê, hiện nay, toàn xã Nghĩa Hương chỉ còn hơn 500 lao động tham gia làm nghề, chủ yếu là người già và trẻ em. Những lao động có tay nghề cao đều bỏ vào làm cho các công ty, họ chỉ tranh thủ những ngày nghỉ ở nhà đan để kiếm thêm thu nhập. Do không làm nghề thường xuyên nên tay nghề của thợ ngày càng mai một. Chất lượng lao động thấp dẫn đến sản phẩm không đáp ứng yêu cầu về mẫu mã, cũng như chất lượng. Mặt khác, do vẫn làm hoàn toàn bằng thủ công nên năng suất lao động không cao. Lượng hàng sản xuất ra không đáp ứng đủ cho các đơn hàng xuất khẩu. Bản thân những mặt hàng xuất khẩu, ngoài kỹ thuật đan truyền thống thì người làm nghề cần phải thường xuyên cải tiến mẫu mã cho phù hợp với thị trường, hoặc làm theo các mẫu mã mà đối tác yêu cầu. Việc lao động của làng nghề hiện nay chủ yếu là người già và trẻ em nên không bắt kịp được những kỹ thuật đan mới dẫn đến việc, hàng làm ra không đảm bảo cả chất lượng và số lượng để xuất khẩu. Bà Trần Thị Loan thôn Thế Trụ lúc trẻ là một thợ lành nghề, nay tuổi cao sức yếu ngồi tỉ mẩn vuốt từng sợi nan tâm sự: “Giờ mình già rồi, nên không cập nhật được những mẫu mới. Hơn nữa, mắt đã mờ, chân đã chậm có khi cả tuần mới xong một sản phẩm, nên thu nhập chẳng đáng là bao”.
Bà Nguyễn Thị Hồng, chủ một cơ sở chuyên thu gom sản phẩm cót nan ở địa phương chia sẻ, thị trường xuất khẩu các sản phẩm cót nan khá rộng mở. Tuy nhiên, các đơn hàng xuất khẩu có yêu cầu rất khắt khe về chất lượng cũng như số lượng sản phẩm. Trong khi ở địa phương cả 2 yếu tố này đều thiếu. Vì vậy gia đình tôi không dám mở DN làm hàng xuất khẩu trực tiếp, mà chỉ thu gom sản phẩm thô sau đó bán lại cho một DN trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
Toàn xã Nghĩa Hương hiện vẫn chưa có DN nào trực tiếp xuất khẩu hàng ra nước ngoài. Hình thức hoạt động chủ yếu là người dân nhận nguyên liệu về đan sản phẩm thô, sau đó bán lại cho các DN ở địa phương khác gia công lại. Việc xuất khẩu hàng qua nhiều khâu trung gian đã làm giảm thu nhập của lao động trực tiếp.
Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hương Nguyễn Đức Thiêm cho biết, nghề đan cót có vai trò quan trọng đối với kinh tế - xã hội ở địa phương. Để phát triển làng nghề, chính quyền địa phương thường xuyên mở các lớp nâng cao tay nghề cho lao động, tạo điều kiện để các DN hoạt động đầu tư. Tuy nhiên hiện nay, Nghĩa Hương chưa phát huy hết tiềm năng của nghề truyền thống này. Trong thời gian tới, để khuyến khích người dân quay lại và sống được bằng nghề thì yêu cầu tất yếu là cần phải ứng dụng máy móc vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động. Cùng với đó cần sử dụng hiệu quả nguồn lao động tại chỗ, gắn phát triển nghề với du lịch. Có như vậy mới có thể thu hút, khuyến khích lao động gắn bó với  nghề lâu dài và phát triển làng nghề xứng với tiềm năng.